Chỉ cần gõ từ khóa "Chọn ngành học" hay "Hướng nghiệp" trên công cụ tìm kiếm của MXH TikTok, một loạt video với nội dung liên quan sẽ hiện ra. Và điều không ngạc nhiên khi đứng đầu danh sách tìm kiếm sẽ là cụm từ "Những bằng đại học vô dụng".
Việc xuất hiện dày đặc các clip với nội dung trên đã thu hút hàng triệu lượt xem trên MXH và những tranh cãi cùng ý kiến đối lập của cư dân mạng đang khiến nhiều học sinh hoang mang, lo lắng khi đứng trước cánh cửa lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Hàng loạt những video của các TikToker chia sẻ với nội dung "Những bằng đại học vô dụng nhất" đang gây tranh cãi trên MXH hiện nay.
"Năng lực để học giỏi và làm việc giỏi không giống nhau"
Trong một bài phỏng vấn với VTC Now, khi trao đổi với phóng viên về quan điểm từng nhận về nhiều ý kiến trái chiều rằng: "Bằng đại học không quan trọng, quan trọng là năng lực của bạn và khả năng tự học đến đâu bởi nhiều quản lý, giám đốc tại FPT Telecom cũng chỉ có trình độ Cao đẳng".
Trước vấn đề này, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh việc "hành hơn học, học trong công việc, học nhanh để ra làm việc, học trong công việc và học suốt đời" là thái độ cần thiết đối với các bạn sinh viên bởi cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang tới những công nghệ mới liên tục ra đời, thay thế các công nghệ truyền thống và được ứng dụng trên mọi lĩnh vực.
"Một trong những câu hỏi mà tôi thường gặp của các bạn sinh viên trường FPT, Đại học Bách khoa, Đại học Tự nhiên đó là: "Học cao đẳng sau này có làm lãnh đạo được không?" hay "Muốn trở thành kỹ sư lập trình, chuyên gia về dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo, sau này có khả năng làm lãnh đạo không?"
Tôi chỉ nói rằng: Ở FPT Telecom, 29% lãnh đạo và cán bộ quản lý khi nhận nhiệm vụ chỉ có bằng Cao đẳng, còn 71% còn lại có bằng Đại học hoặc trên Đại học.
Vậy nhưng bằng cấp không quan trọng, quan trọng thực sự là năng lực của chính các bạn. Năng lực về chuyên môn, năng lực về quản trị, đặc biệt là khả năng tự học.
Chủ tịch FPT Telecom ông Hoàng Nam Tiến
Bởi thực chất tôi là một người của thế hệ "one-time learning" - thế hệ chỉ học một lần rồi ung dung sử dụng các kiến thức đó cho suốt phần đời còn lại của mình mà vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Vì thời đại của chúng tôi sống chỉ cần đơn giản như thế là đã có thể thành công. Nên phần lớn những người trong thế hệ tôi, họ không nghĩ về việc đi học nữa.
Nhưng nếu thế hệ các bạn trẻ hiện nay mà chọn cách sống đó, thì cho phép tôi được nói rằng: các bạn sẽ "chết" trong thời đại này!
Bởi giờ là thời đại của "Lifelong learning" (học tập suốt đời), phải sẵn sàng học thêm nhiều cái mới.
Thực tế tại công ty chúng tôi, có những bạn còn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng không sao cả! Thực sự các bạn đó có năng lực, trình độ, kể cả những bạn tốt nghiệp bằng cấp cao cũng khó so sánh. Bởi vì, trường học, trường đời là trường học lớn nhất rồi!
Các bạn học Cao đẳng, Trung cấp, thậm chí chưa có bằng đại học cũng không sao. Quan trọng là năng lực của các bạn, còn tôi không quan tâm các bạn học trường nào ra".
Ông Hoàng Nam Tiến cũng đưa ra quan điểm "Năng lực và thái độ của người làm việc quan trọng hơn bằng cấp mà họ sở hữu".
Việc tư duy lối mòn về bằng cấp cần được gỡ bỏ trong tư tưởng giáo dục truyền thống. Người học ngày nay cần được cung cấp những tri thức thực hành, mang tính ứng dụng và những kĩ năng mềm để hỗ trợ, phát huy năng lực trong quá trình làm việc.
"Tôi đánh giá rất cao bằng cấp các bạn đạt được. Đặc biệt là những chứng chỉ các bạn tự học. Vì cuộc đời của mỗi người sẽ có những điểm mốc quan trọng cần chúng ta vượt qua. Việc có một bằng Đại học chứng tỏ các bạn đã vượt qua kỳ kiểm tra 4 năm, khi các bạn có thêm một bằng Thạc sĩ đó là một kỳ kiểm tra 2 năm không dễ. Chưa kể nhiều bạn còn sở hữu nhiều chứng chỉ đặc biệt.
Hiện nay có rất nhiều khóa học đào tạo online của những trường Đại học hàng đầu thế giới, do những Giáo sư nổi tiếng có trình độ học vấn đáng ngưỡng mộ trực tiếp giảng dạy ở trên toàn cầu. Đó mới là những chứng chỉ thực sự uy tín và giá trị.
Tôi nói thật các bạn sinh viên học Marketing của các trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay Ngoại thương cũng phải kính trọng những tờ chứng nhận như vậy.
Mỗi bằng cấp thực chất là một kỳ kiểm tra. Năng lực để học giỏi và năng lực để làm việc giỏi không giống nhau, khi đi làm việc các bạn cần bổ sung thêm rất nhiều năng lực khác nữa.
Kết luận, vị chủ tịch của FPT Telecom còn đưa ra lời khuyên về rèn luyện những kĩ năng cần thiết cần phải có để cạnh tranh trong tuyển dụng, ông khẳng định giá trị của tấm bằng phụ thuộc vào người học nó rất nhiều:
"Làm sao để làm việc trong một tập thể? Làm sao có thể học nhanh nhất những kiến thức liên quan đến công nghệ, quan trị, Marketing, Logistics,... Trước giờ chúng ta quá ỷ lại vào vai trò dạy kiến thức của nhà trường. Nhưng vai trò của nhà trường trong thời đại bây giờ sẽ không phải là nơi để dạy kiến thức cho học sinh nữa, mà là dạy các bạn kỹ năng tự học.
Tự học những gì tốt nhất cho chúng ta và tự tìm được con đường tốt nhất cho mình, để sống sót trong thời đại này". Ông nói.