Xoài là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD. Tuy nhiên diện tích chưa phải là tất cả. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã chăm chút cho chất lượng để sớm đưa các con số mục tiêu trở thành hiện thực.
Trước kia, trái xoài cát Hòa Lộc trồng rải rác tại các huyện, thị khác, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã xây dựng vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc với khoảng 1.000 ha tại 13 xã của huyện Cái Bè, đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn/năm. Nông dân chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ sinh học, áp dụng công nghệ cao trong các khâu như: tưới nước nhỏ giọt và phun thuốc, bón phân bằng máy.
"Về khoa học kỹ thuật tiên tiến, thứ hai là hạn chế ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật nên tôi làm hệ thống phun thuốc tự động, hệ thống nhỏ giọt. Hiệu quả kinh tế tôi thấy rất cao", ông Trần Văn Đậm, xã Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang, chia sẻ.
Tại Cái Bè, từ năm 2009, xoài cát Hòa Lộc đã xuất được sang thị trường Nhật Bản và đến nay đã có mặt thêm 8 thị trường, với tỷ lệ xuất khẩu đạt khoảng 12% trên tổng sản lượng. Một sản lượng lớn còn lại thường được tiêu thụ nội địa nên giá cả không ổn định. Vì vậy, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh là tăng cường liên kết để tăng sản lượng xuất khẩu lên khoảng 60% vào năm 2025.
Xoài là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Huyện đã thực hiện việc củng cố, nâng chất hợp tác xã, làm thế nào để người dân quy tụ vào hợp tác xã, tạo vùng sản xuất nguyên liệu lớn để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của các nước xuất khẩu", ông Phan Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết.
Để tăng sức cạnh tranh của xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp tỉnh đang bảo tồn cây đầu dòng, nhân giống chất lượng cao, để mở rộng vùng trồng xoài cát Hòa Lộc nguyên liệu; đồng thời tiến hành cấp mã số vùng trồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thêm vào đó, tỉnh xây dựng các mô hình "sản xuất gắn với tiêu thụ" để cân đối cung cầu, nhất là chủ động sản xuất rải vụ, hạn chế tình trạng thu hoạch rộ, cung vượt cầu.
Xứ xoài thay đổi tư duy
Để trái ngọt đến tay người tiêu dùng nước ngoài, nhiều điều cần khắc phục, như việc thiếu chuyên nghiệp trong khâu thu hoạch khiến trái bị trầy xước hoặc dính mủ, đã khiến hàng trăm ngàn tấn xoài phải lo lắng về đầu ra. Như vậy, muốn xuất khẩu đi xa, khâu bảo quản sau thu hoạch cần được làm tốt, nhưng làm tốt nhất cũng chỉ trên xoài tượng da xanh với thời gian khoảng 30 ngày. Còn 2 giống xoài thế mạnh là cát chu và cát Hòa Lộc thì không thể, phải xuất khẩu bằng đường hàng không, bị giảm sức cạnh tranh.
"Trước hết là hoàn thiện về thể chế, thứ hai là tập trung vào những mũi nhọn đột phá, đó là khâu chế biến đối với sản phẩm xoài. Thứ ba là các yếu tố về quy định thị trường, rào cản kỹ thuật thì tập huấn cho bà con nông dân, cho các hợp tác xã", ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.
Bao trái chỉ là một trong số những yêu cầu nhà vườn xã Tân Thuận Tây phải đáp ứng để được cấp mã số vùng trồng cho toàn bộ diện tích 86,6 ha chuyên canh xoài.
Khoa học kỹ thuật còn bao hàm cả khâu sơ chế, chế biến và đóng gói. Mục đích cuối cùng là giúp trái xoài đi xa nhất nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Chẳng hạn công nghệ khí trơ có thể giúp giữ trái lâu hơn.
"Cấp đông có thể bảo quản được 6 tháng đến 1 năm để mình vượt qua hàng rào vận chuyển. Thứ hai là sử dụng trái mùa", ông Huỳnh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Xoài Hòa Lộc RR, cho hay.
Quy hoạch vùng trồng, sản lượng, phân chia phân khúc cho từng thị trường cũng là điều các doanh nghiệp quan tâm.
"Tốt nhất chúng ta vận chuyển bằng đường tươi, bán giá trị cao. Loại thứ hai là chúng ta có thể tiêu thụ nội địa. Loại thứ ba là đưa vào chế biến", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, thông tin.
"Việt Nam nên đẩy mạnh đưa ra những sản phẩm xoài phù hợp với từng phân khúc, có thể là với các siêu thị, chuỗi bán lẻ để đáp ứng tốt nhu cầu của từng khách hàng", ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Australia, nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cũng cần chú ý phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn. Đây được xem là yếu tố góp phần giải quyết tình trạng được mùa rớt giá thời gian qua.
Sẽ tổ chức lễ hội xoài trong tháng 4
Tháng 4 tới đây, Đồng Tháp sẽ tổ chức lễ hội xoài cấp tỉnh, sau khi lễ hội này được TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh tổ chức, nhằm tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút sự quan tâm nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài; đồng thời, quảng bá sản phẩm, thương hiệu "Xoài Cao Lãnh", "Xoài cát chu Cao Lãnh" và xây dựng các tour, tuyến tham quan, du lịch về xoài…
Dự kiến lễ hội năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, như: hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm từ xoài và sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Đồng Tháp; trưng bày thiết bị nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật ngành xoài; không gian triển lãm thực tế ảo "Vương quốc xoài Đồng Tháp"; hội thi ảnh đẹp về xoài; "Tôi kể câu chuyện về xoài"; trái xoài ngon...; ngoài ra còn có các hội thảo chuyên ngành về phát triển ngành xoài và tôn vinh nông dân trồng xoài, ra mắt Hội ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp...
VTV.vn - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40824941162303202-col-aoh-tac-iaox-uht-ueit-yad-cuht-gnaig-neit/et-hnik/nv.vtv