Trước đó, thời chính phủ Thủ tướng Édouard Philippe trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron, nước này đã trải qua các cuộc biểu tình phản đối tương tự từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020. Do đại dịch COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, vấn đề cải cách chế độ hưu trí bị hoãn lại đến tháng 1-2023.
Khi đó, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo độ tuổi nghỉ hưu tăng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.
Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Ngày 20-2-2023, dự luật cải tổ hưu trí đã được chính thức thông qua ở quốc hội sau khi các nghị sĩ bác 2 kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ.
Đình công phản đối cải cách chế độ hưu trí tại thủ đô Paris khiến người dân phải chịu cảnh rác thải tràn ngập Ảnh: REUTERS
Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22-3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay bất chấp các cuộc biểu tình phản đối và đình công thời gian gần đây.
Hôm 23-3 là ngày đình công và biểu tình toàn quốc lần thứ 9 tính từ giữa tháng 1 theo lời kêu gọi của liên minh các nghiệp đoàn Pháp. Nghiệp đoàn CGT ước tính 3,5 triệu người tham gia tuần hành khắp nước trong ngày này.
Mỗi lần sau cuộc tuần hành, nhóm quá khích phái tả hoặc phái hữu lợi dụng tình thế phá rối an ninh, đốt cháy hoặc đập phá nhiều tiệm buôn bán trên đường đi tuần hành hoặc các cơ quan của chính phủ. Ngoài ra, đình công và biểu tình còn làm hệ thống giao thông công cộng đình trệ, giao thông ách tắc, sản xuất điện giảm.
Tại nhiều tỉnh, hành động cắt điện còn diễn ra để phản đối trong khi nhiều trường học đóng cửa, các kho xăng dầu bị phong tỏa và các nghiệp đoàn vệ sinh môi trường đình công. Ngay cả tại thủ đô Paris, người dân phải chịu cảnh rác thải tràn ngập và hiện chỉ có công ty tư nhân đảm nhiệm công việc thu gom rác thải.
Theo khảo sát của Viện Ifop, chỉ 32% người được hỏi ủng hộ cải tổ hệ thống hưu trí của chính phủ. Lập luận của chính phủ là những cải cách này rất quan trọng để đưa hệ thống lương hưu của Pháp thoát khỏi tình trạng thâm hụt vào năm 2030.
Đề xuất cũng sẽ đưa Pháp đến gần hơn với các nước láng giềng với hầu hết quy định tuổi nghỉ hưu từ 65 trở lên. Trong khi đó, các nghiệp đoàn cho rằng những cải cách được đề xuất là không công bằng và sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến người lao động có tay nghề thấp làm công việc nặng nhọc và người bắt đầu đi làm sớm.
Xem thêm: nhc.896320551623032881-gnob-uuh-od-ehc-hcac-iac-iv-gnaht-gnac-pahp-ut-uht/nv.fefac