Có những nghệ sĩ gây khó hiểu khi quảng cáo đủ loại thuốc chữa đủ loại bệnh khác nhau: xương khớp, tê bì chân tay, trĩ, tiểu đường, thuốc kích dục... Bên cạnh đó, họ cũng gặp nguy cơ bị các nhãn hàng ăn cắp hình ảnh để đưa vào quảng cáo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia nhận định để tránh quảng cáo "bẩn", nghệ sĩ nên hợp tác với các công ty trung gian có năng lực kiểm tra nhãn hàng về mặt pháp lý và chất lượng sản phẩm.
Nhiều nghệ sĩ thiếu chuyên nghiệp khi nhận quảng cáo
Theo ông Hoàng Quân - CEO Công ty quảng cáo ProductionQ, quảng cáo trên môi trường số (YouTube, Facebook, TikTok, Instagram...) - khó kiểm soát hơn các hình thức quảng cáo truyền thống và đặt ra nhiều thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Ông đưa ra một số giải pháp để góp phần làm sạch môi trường quảng cáo số.
Ông Hoàng Quân nhận định quảng cáo số rất khó vận hành theo quy trình giấy phép như quảng cáo truyền thống (phải cung cấp giấy phép đối với các nội dung, hình ảnh quảng cáo) khi số lượng và tốc độ truyền đạt thông tin quảng cáo đều đang tăng chóng mặt. Vì vậy, số lượng quảng cáo kém chất lượng cũng tăng theo.
Đó là mặt thủ tục. Còn về mặt hình thức, nội dung quảng cáo số cũng gây khó cho cơ quan quản lý khi có nhiều cách thể hiện và đôi khi không dễ phân biệt đúng sai. "Lằn ranh giữa nói đúng, nói hay và nói lố, nói sai là rất mong manh. Đôi khi chỉ thêm một từ thôi đã có thể làm thay đổi ý nghĩa của thông điệp" - ông Hoàng Quân nói.
Đặc biệt, hiện nay thị trường đang rất cần biện pháp quản lý hình thức quảng cáo sử dụng các nhóm người nổi tiếng, KOL, KOC.
Lâu nay, nhiều người nổi tiếng không có thói quen làm việc với nhãn hàng thông qua công ty trung gian với các quy trình kiểm chứng bài bản mà tự nhận quảng cáo từ nhãn hàng hoặc người quen.
Đây là cách làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp, bởi ngay cả người nổi tiếng lẫn công ty quản lý trực tiếp của họ cũng chưa chắc đã có đủ chuyên môn nghiệp vụ để đánh giá sản phẩm.
Việc người nổi tiếng nhận quảng cáo không chỉ đơn thuần quay một clip hay đăng một bài giúp quảng bá sản phẩm rồi nhận tiền. Đây là quá trình "khai thác thương mại" cho thương hiệu của chính nghệ sĩ đó và nên được tiến hành bài bản.
Chẳng hạn, năm 2022 Công ty trung gian Double U ra đời nhằm khai thác thương mại cho 50 nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Min, Hoàng Dũng, Đức Phúc, Hứa Kim Tuyền... hoặc hợp tác với các công ty có sẵn của các nghệ sĩ Chi Pu, Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Song Luân, Liên Bỉnh Phát, nhóm Da LAB...
Còn The A List là công ty trung gian (agency) chuyên về đặt hàng quảng cáo giữa nhãn hàng với các nghệ sĩ nổi tiếng và KOL. Công ty chuyên hợp tác với các nhãn hàng lớn và giúp họ tìm ra gương mặt KOL phù hợp để quảng bá sản phẩm.
Cẩn thận với những thông điệp có mức độ cam kết
Theo ông Đỗ Tuấn Hải - CEO của The A List, vai trò của công ty trung gian là đưa ra yêu cầu kỹ lưỡng về các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường mà cụ thể là giấy chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm, giấy phép quảng cáo...
Còn với những sản phẩm mới của các thương hiệu uy tín, công ty trung gian sẽ đứng ra nhận và gửi sản phẩm cho nghệ sĩ, KOL để họ trực tiếp sử dụng trong ít nhất 2-3 tuần. Sau thời gian dùng thử, công ty sẽ hội ý với các KOL để quyết định có nhận lời quảng cáo hay không.
Những công đoạn nghe qua tưởng chừng như nghệ sĩ hay KOL đều có thể tự làm được. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quân, một công ty trung gian giỏi sẽ có kinh nghiệm hơn hẳn trong việc kiểm tra, đối chiếu giấy phép, bằng sáng chế, bảng thành phần, công năng, dược liệu, hiệu quả... Công ty có thể tư vấn về cách tránh sa vào quảng cáo không đúng sự thật để rồi bị xử phạt.
Thậm chí, kể cả khi đã trải nghiệm hoặc dùng thử sản phẩm rồi, người quảng cáo vẫn nên cẩn thận với những thông điệp có mức độ cam kết quá chắc chắn.
"Một sản phẩm tốt, an toàn thông thường đều cần đến một khoảng thời gian để chứng minh có tác dụng. Rất hiếm có sản phẩm nào cho tác dụng nhanh thần kỳ. Tôi tin không có nghệ sĩ, người nổi tiếng nào muốn quảng cáo hàng giả, quảng cáo sai sự thật. Có thể là họ chưa ý thức được những điều trên mà thôi" - ông Quân nói.
Cần phạt nặng quảng cáo kém chất lượng
Ông Đỗ Tuấn Hải ủng hộ việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quy định và chế tài quảng cáo trên các nền tảng nhằm siết chặt hơn các quảng cáo kém chất lượng.
Bên cạnh cơ quan quản lý, người tiêu dùng cũng là màng lọc quan trọng của quảng cáo "bẩn". Ông Hoàng Quân khuyên người tiêu dùng cũng nên cảnh giác trước những quảng cáo có thông điệp quá "mỹ miều". Việc yêu chuộng hàng xách tay, không chính hãng cũng là một nguyên nhân khiến họ dễ mua phải hàng giả kém chất lượng.
Về khả năng một số KOL bị đưa vào "danh sách đen", cấm quảng cáo vì nội dung nhảm nhí và thiếu lành mạnh, ông Hoàng Quân cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nền tảng quảng cáo để có thể triển khai đồng bộ.
Nếu có quy định và chế tài, cần có phần về các cá nhân chuyên "dìm" các sản phẩm và thương hiệu để tạo xì căng đan nhằm trở nên nổi tiếng, bởi người tiêu dùng hay thương hiệu đều cần được pháp luật bảo hộ. (M.LY)
* NSND Trần Ngọc Giàu (chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM): Pháp luật cần có thêm hình phạt để nâng cao sự răn đe
Hội chúng tôi luôn có những nhắc nhở chung về vấn đề này. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào ý thức cá nhân của mỗi người và khi bất cứ cá nhân nào sai phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Riêng tôi từng thấy nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm thuốc này thuốc kia mà mình đang có nhu cầu, tôi gọi điện hỏi thăm thì họ bảo chỉ quảng cáo chứ không biết sản phẩm như thế nào. Nghe rất buồn.
Ở đây chưa nói đến trách nhiệm nghệ sĩ lớn lao, mà chỉ riêng trách nhiệm với cộng đồng với nhau đã là không nên khi giới thiệu sản phẩm mà không quan tâm chất chất lượng. Trước hết phải có chữ tín với nhau, với mọi người.
Tôi mong rằng nghệ sĩ nhận quảng cáo cũng cần hiểu giới hạn ở đâu, phải nhớ là mình nói gì công chúng người ta đang nghe và người ta tin tưởng mình. Tôi nghĩ pháp luật cần có thêm hình phạt với trường hợp này để nâng cao sự răn đe. Chẳng hạn, khi nghệ sĩ quảng cáo có thể nhận đến 500 - 700 triệu đồng, nhưng xử phạt kiểu hành chính chỉ 5-7 triệu đồng thì người ta đâu có sợ.
Ngay cả những đơn vị sử dụng hình ảnh các nghệ sĩ này cũng cần có những biện pháp riêng. Ví dụ nghệ sĩ làm tổn thương hình ảnh mình thì đài truyền hình sẽ không mời, không cho lên sóng nữa...
* Nghệ sĩ Quyền Linh: Chúng tôi cũng mong được pháp luật bảo vệ
Thời gian qua trên các trang mạng mọi người phản ánh rằng tôi quảng cáo các thuốc xương khớp, ung thư, gan thận, trĩ, hôi nách... Tôi xin lần nữa khẳng định rằng đó là sự lừa đảo. Họ cắt ghép hình ảnh và tiếng nói của tôi từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc các sản phẩm khác để đưa vào.
Tôi dám nói điều này vì tôi không làm. Nếu tôi có ký hợp đồng quảng cáo mà phủ nhận thì chắc chắn đơn vị đó sẽ bắt tôi đền hợp đồng liền. Nếu ai có hợp đồng đưa ra, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng nhờ luật sư theo đuổi vấn đề này nhưng cực kỳ khổ sở.
Chúng tôi đã làm cả hai năm nay nhưng cứ cảnh báo trang này họ lại xóa làm trang khác, nào là Sức khỏe Quyền Linh, Quyền Linh khỏe và đẹp... họ đổi liên tục. Máy chủ gần như phía bên ngoài là chính, nên không thể truy ra được, cứ xà quần vậy hoài. Vì vậy, tôi mong các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc một cách quyết liệt để truy ra xem những người đứng sau lưng làm chuyện này.
Về mặt hình ảnh nghệ sĩ, tôi bị tổn thương và mất uy tín với công chúng. Về mặt công dân bình thường, việc này làm mọi người nghi oan cho tôi thì cũng tội nghiệp tôi. Chúng tôi mong được pháp luật bảo vệ. (LINH ĐOAN ghi)
Việc tuân thủ các quy định về quảng cáo trên mạng không những giúp bảo vệ uy tín của các thương hiệu, nhãn hàng mà còn góp phần ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, đẩy lùi những kênh có nội dung xấu, độc hại...
Xem thêm: mth.48101722262303202-peihgn-neyuhc-ueiht-od-al-nab-oac-gnauq-oav-hnid-is-ehgn/nv.ertiout