TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử một phần dân sự trong vụ án Lê Hồng Bàng (cựu giám đốc Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam) chiếm đoạt hơn 347 tỉ đồng. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do vắng mặt một số đương sự.
Trước đó, năm 2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm đã giữ nguyên mức án chung thân đối với bị cáo Bàng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một phiên tòa xét xử Lê Hồng Bàng. Ảnh: BT |
Theo bản án phúc thẩm, ông Bàng thành lập công ty từ tháng 4-2008 song không có hoạt động kinh doanh, không có tài sản và nguồn tiền. Còn Hà Tuấn Linh là giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Hoàng Hà, Hoàng Văn Cường là giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Cường Thịnh.
Các pháp nhân này không có khả năng tài chính và không đăng ký kinh doanh xây dựng nhà, công trình xây dựng. Tuy nhiên, Bàng, Cường và Linh đã ký 4 hợp đồng liên danh để đầu tư, kinh doanh dự án nhà ở gồm dự án Khu nhà ở Phương Đông diện tích 25.000m2, Khu nhà ở 683 diện tích 100.000m2, khu nhà ở Lộc Hòa diện tích 40.000m2 và Khu nhà ở 683B diện tích 200.000m2 đều ở huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội.
Sau đó, Bàng thuê người lập bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500, in các bản vẽ của 4 dự án và sử dụng bản đồ để giới thiệu, quảng bá cho khách hàng đăng ký mua căn hộ.
Các khách hàng đăng ký mua căn hộ bằng hình thức ký hợp đồng góp vốn. Thực tế, các dự án là bãi đất trống, ruộng lúa, bãi đất hoang… chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa xác nhận chủ đầu tư… Các dự án chưa có cơ sở pháp lý để hình thành.
Cơ quan tố tụng xác định, Bàng, Cường, Linh tạo dựng hồ sơ pháp lý giả, ký các hợp đồng liên danh… để quảng bá dự án cho các bị hại tin là dự án có thiệt. Các bị cáo còn chi tiền để mua đất nông nghiệp nhằm triển khai và san lấp mặt bằng trái phép.
Với cách thức trên từ tháng 3 đến tháng 7-2009, Bàng ký kết 758 hợp đồng vay vốn, đặt cọc với 397 người và chiếm đoạt hơn 347 tỉ đồng. Thực chất đây là các hợp đồng mua bán căn hộ vì thể hiện số ô, số lô, diện tích, giá bán cho mỗi m2 của từng căn hộ.
Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 289 bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 211 tỉ đồng. Đến nay có 275 bị hại yêu cầu bồi thường số tiền hơn 203 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có nhiều bị hại đề nghị hủy án sơ thẩm, yêu cầu thu hồi các tài sản để bồi thường cho họ, đề nghị phong tỏa tài khoản của Công ty Hoàng Hà, Công ty Cường Thịnh.
Các tài sản do bị cáo dùng tiền mua chiếm đoạt mua được gồm 8,1ha đất tại Minh Khai, Từ Liêm, hà Nội; 14ha đất tại đảo Thẻ Vàng, Vân Đồn, Quảng Ninh và 3,4 ha đất tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội.
Tòa phúc thẩm thấy, tại khu đất 8,1 ha, Bàng đã chi 21,3 tỉ đồng để mua tài sản trên đất của 34 hộ dân. Sau đó, bị cáo san lấp trái phép khu đất. Việc mua bán này là có thật thể hiện qua các hợp đồng chuyển nhượng, giấy nhận tiền… nhưng cấp sơ thẩm không đề cập giải quyết là thiếu sót.
Còn khu đất 14ha đảo Thẻ Vàng, tòa án chỉ thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa quyết định xử lý trên thực tế đối với diện tích đất này nên không có cơ sở để thi hành án.
Ngoài ra cần làm rõ về diện tích đất 3,4 ha tại Đại Mỗ, Từ Liêm.
Vì lý do trên, tòa phúc thẩm hủy một phần dân sự của bản án hình sự, giao cho TAND TP Hà Nội xét xử lại nhằm thu hồi tài sản, bồi thường cho các bị hại.
Trong vụ án này, Cường, Linh đã bỏ trốn và bị cơ quan công an truy nã. Đến tháng 10/2021, Cường đầu thú. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền Cường đã chiếm đoạt của các khách hàng là 48,5 tỉ đồng. Còn số tiền 165 tỉ đồng, Cường khai chỉ đạo Đặng Hoàng Duy (hiện đang bị truy nã) đến Công ty của ông Bàng nhận tiền. Cường không biết Duy sử dụng tiền như thế nào, có đưa về công ty hay không. Do đó, công an tách tài liệu để xử lý sau.