vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 18-25/3: Dầu, bạch kim, bạc, cà phê tăng giá, còn lại đều giảm

2023-03-27 12:39
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 18-25/3: Dầu, bạch kim, bạc, cà phê tăng giá, còn lại đều giảm

Năng lượng: Giá tăng trở lại

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu đóng cửa phiên 24/3 giảm do cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu giảm và sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết việc bổ sung vào Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này phải mất nhiều năm.

Cụ thể, chốt phiên này, dầu Brent giảm 92 US cent (-1,2%) về 74,99 USD/thùng; dầu WTI giảm 70 US cent (-1%) về 69,26 USD/thùng. Tuy nhiên, cả hai loại dầu vẫn tăng trong tuần do bất ổn lĩnh vực ngân hàng dịu đi, lần lượt là 2,8 và 3,8%. Tuần trước nữa, hai loại dầu này có tuần giảm mạnh nhất trong nhiều tháng.

Cổ phiếu Deutsche Bank và UBS giảm tại châu Âu bởi lo lắng về những vấn đề tồi tệ nhất trong lĩnh vực này từ khủng hoảng tài chính năm 2008 có thể kéo dài.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellin đã triệu tập một cuộc họp đột xuất của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính vào sáng ngày 24/3. Giá USD tăng 0,6% so với các đồng tiền khác cũng gây áp lực cho giá dầu.

Nhà Trắng cho biết, vào tháng 10/2023 sẽ mua dầu bổ sung cho SPR khi giá bằng hay thấp hơn phạm vi 67-72 USD/thùng.

Dầu có một số hỗ trợ từ dự đoán nhu cầu mạnh tại Trung Quốc, nơi nhu cầu vượt 16 triệu thùng/ngày.

Theo Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, nước này có mục tiêu sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 3 tới tháng 6.

Kim loại: Biến động mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng quay đầu giảm trong phiên cuối tuần qua (24/3) sau khi vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce trong phiên, do lo ngại bất ổn ngân hàng thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn và đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất.

USD tăng cũng khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.

Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.977,01 USD/ounce sau khi tăng lên 2.002,89 USD/ounce trong phiên. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4/2023 đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.983,8 USD/ounce.

Ngược lại, giá bạc cũng tăng 3,9% lên 23,34 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng nhẹ 0,54% lên 983,9 USD/ounce.

Trong tuần qua, tin tức ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm kim loại quý là việc Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 4,75-5%/năm. Mức lãi suất đỉnh của năm 2023 được dự báo là 5,1%, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn đợt tăng lãi suất nào khác trong năm nay. Thông tin này khiến USD suy yếu và hỗ trợ cho giá kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đóng cửa tuần giảm về 103,12 điểm.

Bên cạnh đó, những rủi ro trên thị trường tài chính vẫn còn cao và thúc đẩy các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục vào các loại tài sản trú ẩn an toàn. Hiện lạm phát ở khu vực châu Âu, đặc biệt là tại Anh, vẫn đang chưa ngừng leo thang và làm gia tăng thêm sức ép tăng lãi suất với các ngân hàng trung ương. Giá bạc hưởng lợi nhiều hơn giá bạch kim bởi vai trò trú ẩn vượt trội hơn, nên nhận được nhiều lực mua hơn.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, trong phiên ngày 24/3, giá đồng giảm từ mức cao nhất 3 tuần của phiên trước do thị trường vẫn đánh giá sự hỗn loạn rộng hơn của khu vực ngân hàng và quyết định chính sách của Fed về định hướng giá.

Cụ thể, trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao 3 tháng giảm 0,37% xuống 8.998 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/3/2023 là 9.047,5 USD/tấn.

Ở sàn Thượng Hải, giá đồng giao tháng 5/2023 tăng 1,02% lên 69.200 CNY/tấn.

USD ổn định trong phiên 24/3 gần mức thấp nhất trong 7 tuần do lo lắng về hệ thống ngân hàng khiến tâm lý e ngại gia tăng trước gợi ý của Fed về việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt lãi suất, sau khi tăng lãi suất cơ bản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo để đảm bảo tiền gửi ngân hàng của người Mỹ được an toàn, nhằm xoa dịu lo lắng của nhà đầu tư.

Về các kim loại công nghiệp khác, trên sàn London, giá kẽm giảm 0,05% xuống 2.905,5 USD/tấn; thiếc giảm 0,3% xuống 24.275 USD/tấn; chì giảm 0,56% xuống 2.114 USD/tấn; ngược lại, nhôm tăng 0,17% lên 2.330 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm tăng 0,6% lên 18.360 CNY/tấn; nikel tăng 1,58% lên 177.630 CNY/tấn; thiếc tăng 4,16% lên 196.400 CNY/tấn; kẽm tăng 1,28% lên 22.500 CNY/tấn; ngược lại, chì giảm 0,03% về 15.380 CNY/tấn.

Kết thúc phiên cuối tuần qua 24/3, giá quặng sắt giao tháng 4 trên Sàn giao dịch Singapore đảo chiều giảm 0,72% về 119,4 USD/tấn, do nhu cầu thép yếu hơn nhiều so với dự kiến.

Trên Sàn giao dịch Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 5/2023 giảm 2,01% xuống mức 854 CNY (tương đương 125,25 USD)/tấn – cũng là phiên giảm thứ tư liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ ngày 14/2/2023.

Nhu cầu đối với các sản phẩm thép xây dựng tuần qua, bao gồm thép cây và thép cuộn giảm 6,1% so với tuần trước nữa, xuống mức 4,53 triệu tấn tính đến ngày 23/3/2023.

Các nhà phân tích tại ANZ cho biết, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trong bối cảnh các vấn đề tiềm ẩn đang diễn ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự suy yếu hơn nữa của giá quặng sắt trong năm nay.

Giá của các nguyên liệu sản xuất thép khác như than luyện cốc và than cốc cũng giảm 0,36% và 0,99%, từ đó ảnh hưởng đến thị trường thép. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,02% xuống 4.070 CNY/tấn; thép cuộn giảm 1,42%; dây thép giảm 1,43% và thép không gỉ giảm 0,98%.

Nông sản: Đồng loạt giảm

Trong phiên ngày 24/3, giá đậu tương Chicago giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng, do nguồn cung từ vụ thu hoạch của Brazil tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Giá lúa mì tăng cao, cho dù việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen đã kìm hãm giá và ngô kỳ hạn giảm.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 0,3% về 14,15-3/4 USD/bushel, sau khi giảm trước đó trong phiên về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2022 là 14,05 USD/bushel. Ngược lại, giá lúa mì tăng 0,2% lên 6,63-1/2 USD/bushel và ngô tăng 0,1% lên 6,31-1/4 USD/bushel.

Tính cả tuần, giá các mặt hàng nông sản này đều giảm: Lúa mì giảm 6,7% - mức giảm mạnh nhất trong một tháng; đậu tương giảm hơn 4% và ngô giảm 0,5%.

Thu hoạch vụ đậu tương kỷ lục của Brazilin đang đè nặng lên giá cả.

Sàn giao dịch ngũ cốc ở Buenos Aires (Argentina) đã duy trì dự báo sản lượng năm 2022/2023 đối với cả đậu tương và ngô, nhưng cảnh báo có thể cắt giảm thêm do sản lượng của những lô đậu tương đầu tiên thấp hơn kỳ vọng.

Thỏa thuận Biển Đen, cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng Biển Đen của Ukraine và Nga, đã được gia hạn trong 60 ngày.

Trung Quốc đã mua thêm 123.000 tấn ngô của Mỹ, nâng tổng doanh số xuất khẩu sang nước này lên hơn 2,5 triệu tấn trong các giao dịch gần đây.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, doanh số bán lúa mì xuất khẩu trong tuần kết thúc ngày 16/3/2023 đạt tổng cộng 138.600 tấn, thấp hơn dự báo thương mại. Doanh số xuất khẩu ngô được báo cáo là 3,189 triệu tấn, phù hợp với kỳ vọng. Doanh số xuất khẩu đậu tương đạt 351.500 tấn, thấp hơn dự đoán của thị trường.

Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko cho biết, Chính phủ Nga sẽ xem xét tăng lượng mua ngũ cốc của Quỹ can thiệp nhà nước lên 10 triệu tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Đều giảm giá, ngoại trừ cà phê

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 đóng cửa phiên 24/3 giảm 0,07 US cent (-0,3%) xuống 20,82 US cent/lb. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 0,2 USD xuống 597,6 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, các quỹ giảm vị thế mua ròng lớn, trong khi giá năng lượng cũng giảm khiến thị trường đường đi xuống. Tổ chức Unica cho biết, khu vực Trung Nam Brazil đã ép 608 tấn mía trong nửa đầu tháng 3/2023, bổ sung sản lượng đường tổng cộng 16.000 tấn.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 4,95 US cent (+2,8%) lên 1,7925 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 65 USD (+3,1%) lên 2.189 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, thị trường cà phê vẫn biến động, nhưng thiếu một xu hướng tổng thể rõ ràng.

Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên 24/3 và ghi nhận tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp, do tâm lý thị trường vẫn bi quan về triển vọng kinh tế sau khi số liệu cho thấy hoạt động kinh tế của nước này giảm trở lại.

Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 8/2023 trên sàn Osaka giảm 0,1 JPY (-0,1%) về 204,0 JPY (1,57 USD)/kg trong phiên 24/3 và cả tuần giảm 2,2%. Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 5/2023 ổn định tại mức giá 11,720 CNY/tấn.

Với bông, bất chấp nhu cầu nhập khẩu đã hồi phục thời gian gần đây, giá mặt hàng này vẫn giảm 1,66% về 76,54 cents/pound, khiến bông hợp đồng tháng 5 mang sắc đỏ trong 4 tuần liên tiếp. Theo báo cáo bán hàng bông của Mỹ tính đến ngày 16/3/2023, có 310.200 kiện bông được bán trong tuần với nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ các nước nhập khẩu chính như Việt Nam, Trung Quốc..., cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ và theo lẽ thường sẽ là nhân tố thúc đẩy giá bông khởi sắc.

Dầu cọ thô ghi nhận một tuần lao dốc với mức giảm tới 10,41% so với giá tham chiếu, xuống 3.607 ringgit/tấn. Bất chấp việc xuất khẩu vẫn tăng mạnh và tồn kho ở mức thấp, giá dầu cọ thô trong tuần qua chịu áp lực từ sự suy yếu từ các loại dầu thực vật khác như dầu đậu tương và dầu hướng dương.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 18-25/3: Dầu, bạch kim, bạc, cà phê tăng giá, còn lại đều giảm ảnh 1

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Xem thêm: lmth.877713tsop-maig-ued-ial-noc-aig-gnat-ehp-ac-cab-mik-hcab-uad-352-81-ut-naut-ioig-eht-aoh-gnah-gnourt-iht/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 18-25/3: Dầu, bạch kim, bạc, cà phê tăng giá, còn lại đều giảm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools