Khi xung đột Ukraine nổ ra, nhiều lo ngại rằng giá năng lượng tăng vọt và sự mất lòng tin sẽ đánh gục ngành sản xuất châu Âu, làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây với Kiev. Nhưng một năm trôi qua, nhiều công ty đã vượt qua cú sốc.
Theo Wall Street Journal, không nơi nào có sự năng động như ở Đức, trung tâm sản xuất có nhu cầu năng lượng cao và từ lâu dựa vào nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga. Một trong những ví dụ là Claas KGaA mbH, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp với doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD), và có 12.000 nhân viên.
Trước xung đột, một phần tư doanh số bán hàng của Claas đến từ Trung và Đông Âu, bao gồm Nga. Họ có văn phòng kinh doanh lớn ở Ukraine và một nhà máy ở thành phố Krasnodar (Nga), cách Crimea 150 dặm về phía đông.
Năm ngoái, khi tình hình địa chính trị thay đổi, công ty cắt giảm sản xuất ở Nga và Trung Quốc, tăng sản lượng tại nhà máy chính ở Đức lên 30%. Họ cũng giảm mức tiêu thụ khí đốt gần một phần ba bằng cách thực hiện các thay đổi kỹ thuật và chuyển doanh số bán hàng từ Nga sang châu Mỹ.
Kai Gieselmann, Giám đốc nhà máy tại Đức cho biết bằng cách đánh giá lại nhân lực và phương tiện kỹ thuật có thể tận dụng, họ tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Claas báo cáo sản lượng hàng năm tăng 3% vào 2022. Doanh số bán hàng giảm 6% ở Trung và Đông Âu, bao gồm Nga nhưng tăng 35% ở châu Mỹ.
Thomas Böck, Giám đốc điều hành Claas kể lại chiến lược xoay trục của công ty bắt đầu vào buổi sáng 24/2/2022, ngày Nga nổ súng bắt đầu chiến dịch. Hôm đó, ông bị đánh thức lúc 4 giờ sáng bởi một cuộc gọi từ thuộc cấp.
"Mọi người bị tấn công, anh có thể nghe thấy tiếng bom rơi trên điện thoại", người này báo cáo. Böck lập tức quyết định cải tổ hoạt động ở Ukraine và Nga. Ban lãnh đạo tập hợp tại văn phòng liền kề với nhà máy ở thị trấn Harsewinkel (Đức).
Claas có nguồn cung linh kiện bao gồm bánh răng và các thành phần kim loại lớn từ Nga và Ukraine. Họ băn khoăn về việc liệu có thể nhận được các khoản thanh toán từ Nga và đủ tiền mặt để củng cố chuỗi cung ứng hay không.
Sau đó, khi Moskva bắt đầu cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, câu hỏi khác xuất hiện: "Điều này tác động gì đối với năng lượng?", Henner Böttcher, Giám đốc tài chính của công ty cho biết.
Áp dụng "lý thuyết trò chơi" (game theory) - một phương pháp lý luận để phân tích hành vi, Claas dự đoán phản ứng của Berlin khi nguồn cung khí đốt thu hẹp. Họ cho rằng chính phủ sẽ ưu tiên phân phối cho hộ gia đình trong tình huống thiếu thốn và tính toán rằng công ty sẽ không bị đóng cửa vì có vị trí gần trung tâm khí đốt của châu Âu là Hà Lan.
Tuy nhiên, họ phải phát triển một kế hoạch dự phòng giúp công ty tồn tại khi nguồn cung khí đốt giảm 30%. Cốt lõi của nó là quyết định cải tiến các lò nung và hệ thống sưởi ấm để chúng có thể chạy bằng dầu cũng như khí đốt.
Để duy trì hoạt động của các lò đã được nâng cấp kỹ thuật, Claas mua và tích trữ 2 triệu lít dầu. Họ cũng chi 300.000 euro để xây dựng các bể chứa khí hóa lỏng và ký hợp đồng mua LPG vận chuyển bằng xe tải từ Hà Lan.
Thời điểm giá khí đốt tăng lên gần 20 lần so với năm 2021, các nhà sản xuất trên khắp nước Đức phải chịu áp lực giảm sản lượng. Điều này khiến Class bị thiếu hụt nguồn cung linh kiện đầu vào như hộp số và lốp máy kéo. Công ty ứng phó bằng cách phát triển phần mềm để theo dõi vấn đề tại hàng trăm nhà cung cấp, sử dụng dữ liệu để đưa ra dự báo dài hạn về thiếu hụt có thể xảy ra.
Gieselmann cho biết các nhà quản lý cấp cao họp hàng ngày lúc 9:45 sáng để kiểm tra nguồn cung và xác định các nút thắt tiềm ẩn. "Có 240.000 bộ phận trong máy gặt đập liên hợp và tôi cảm thấy như mình biết từng bộ phận", ông nói. Trước cuộc họp, cấp quản lý, lực lượng chuyên trách trao đổi với quản lý thu mua lúc 7h sáng để nắm tình hình linh kiện nào bị thiếu.
Để cắt giảm chi phí năng lượng, công ty chuyển sang dùng đèn LED, giảm hệ thống sưởi và loại bỏ nước ấm trong một số phòng vệ sinh. Các công nhân trong xưởng sơn tìm ra cách giảm nhiệt độ xử lý kim loại trước khi sơn bằng cách thay đổi thành phần hóa chất.
Ở nhà máy, 3 "trinh sát năng lượng" liên tục tìm kiếm những cách mới để cải tiến. Các bộ đếm kỹ thuật số xung quanh nhà máy hiển thị lượng năng lượng đang được tiêu thụ. Nhân viên được thưởng tiền nếu có sáng kiến tiết kiệm năng lượng.
Một cỗ máy tái chế nhiệt, thu hơi nóng ở khu vực thử nghiệm động cơ liên hợp và dùng nó để làm nóng không khí trong nhà máy. Điều đó giúp tiết kiệm 90% chi phí năng lượng trong một quy trình sản xuất nhất định. Theo dữ liệu của cơ quan quản lý năng lượng Đức, tổng hợp trên khắp nước, những nỗ lực như vậy giúp cắt giảm khoảng một phần tư mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Để giải quyết tình trạng thiếu linh kiện, các nhà quản lý của Claas trực tiếp hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn, sử dụng ảnh hưởng của công ty như một khách hàng lớn hoặc tận dụng các mối quan hệ để tìm nguồn bổ sung như vi mạch.
Các thành viên hội đồng quản trị công ty bay khắp thế giới để tìm cách tháo gỡ tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Một giám đốc mua hàng đã mua linh kiện bằng thẻ tín dụng cá nhân vào cuối tuần. "Mọi thứ đều dựa trên mối quan hệ lâu dài", Böck nói.
Một trong những tác động lớn nhất của cuộc chiến Ukraine đối với Claas là việc vẽ lại bản đồ khách hàng toàn cầu. Công ty vẫn vận hành nhà máy ở Nga - máy gặt đập liên hợp được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt - nhưng đã xóa khoản đầu tư trị giá 40 triệu euro ở đó.
Khi họ lùng sục các thị trường thay thế vào năm ngoái, ban lãnh đạo chú ý đến châu Mỹ và đặc biệt là Mỹ. "Thị trường ở đó và tiền ở đó", Böck nói. Nông dân Mỹ vẫn hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ, trong khi đồng USD mạnh cho phép Claas đưa ra giá thấp so với các đối thủ cạnh tranh nội địa Mỹ.
Claas có một nhà máy ở Omaha (Nebraska, Mỹ). Mẫu máy gặt đập liên hợp lớn nhất của hãng - Lexion, đã giành giải "Điều tuyệt vời nhất của Đức được sản xuất tại Mỹ" vào tháng 10/2022, do Phòng Thương mại Đức - Mỹ trao tặng.
Chuỗi cung ứng toàn cầu của Claas cũng rất khác so với một năm trước. Các nhà kinh tế cho biết một số doanh nghiệp Đức đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đức những năm gần đây, một phần để tránh thuế quan của Mỹ, cũng như để đưa tài sản sang các quốc gia đồng minh chính trị với phương Tây.
Thay vì Nga, Claas hiện mua các bộ phận của máy gặt đập liên hợp và bộ xử lý ống lồng, tương tự như xe nâng, ở Đông Âu và Đức. Các bộ phận kim loại lớn của họ giờ được lắp ráp sẵn ở Czech, Ba Lan và Romania. Các nhà máy của Claas ở Đức vẫn chạy chủ yếu bằng khí đốt, nhưng mua từ Anh và Na Uy. "Đừng lệ thuộc vào một nước nào", CEO Böck nói về bài học vừa qua.
Dù vậy, Claas không hoàn toàn ổn định. Một số quy trình giờ đây trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và làm giảm khả năng cạnh tranh. Giám đốc tài chính Böttcher cho biết công ty hiện có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với các đối thủ ở Mỹ và Nhật Bản.
Phiên An (theo WSJ)