Ngày 27.3, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp thôn và khu phố.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cả 3 dự thảo đưa ra lấy ý kiến đều rất quan trọng trong bối cảnh phát triển của đất nước, nên việc đóng góp ý kiến có trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu có tính quyết định đến công tác quản lý, điều hành, nhất là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ trong tình hình mới.
Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Nội vụ 14 tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây nguyên đã đóng góp ý kiến vào dự thảo các nghị định trên.
Đối với dự thảo Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế, các đại biểu đều cho rằng, từ nay đến năm 2026 nếu phải giảm 5% biên chế công chức và 10% viên chức, phải có cơ chế chính sách đủ mạnh, rõ ràng để quản lý, hỗ trợ cán bộ, nhất là cán bộ dôi dư, thuộc diện tinh gọn để sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động đạt hiệu quả.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng Vũ Ngọc Đồng đề nghị cần làm rõ, xác định tuổi nghỉ hưu tính theo từng năm hay theo Nghị định 135. Bên cạnh đó, đối tượng cán bộ hoạt động không chuyên trách là vấn đề mới. Do đó, tại khoản 4, điều 4 của dự thảo Nghị định cần bổ sung cả thôn, khu phố.
Đối với công chức cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng mong muốn Bộ Nội vụ tính toán lâu dài để có sự liên thông trong công việc, trong quản lý. "Về thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã, Bộ Nội vụ cần linh hoạt, xem xét và hướng dẫn các địa phương thực hiện, tránh bị động, nhất là trong vấn đề thi tuyển, giúp tiết kiệm ngân sách, phù hợp với thực tiễn công việc ở mỗi địa phương, đơn vị", Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đề xuất.
Về dự thảo Nghị định bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đây là vấn đề khá mới, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho rằng, nội dung này đòi hỏi luật pháp phải hoàn chỉnh, tránh bất cập.
Về dự thảo Nghị định liên quan đến cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, khu phố, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cho rằng trong dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã cần sửa đổi nội dung trình độ chuyên môn của cán bộ cấp xã có trình độ đại học trở lên. Những trường hợp đặc biệt tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có trình độ trung cấp trở lên.
Theo bà Hoa, khi thực hiện Nghị quyết nâng cao trình độ cán bộ công chức, Quảng Nam đã có quyết định nâng chuẩn và thực hiện rất hiệu quả quy định cán bộ có tiêu chuẩn bằng đại học trở lên kể cả vùng sâu vùng xa thì bị "tuýt còi" vì cho rằng văn bản quy phạm pháp luật trái quy định. Do vây, bà Hoa kiến nghị dự thảo cán bộ cấp xã nên nâng chuẩn để phù hợp với xu thế hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, hiện trình độ dân trí rất cao, ngay cả những khu vực miền núi, vùng cao, nên việc quy định trình độ chuyên môn của cán bộ cấp xã năm 2004 đã quá lỗi thời. Do vậy, bà Hường đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm thay đổi vấn đề này.
Về dự thảo Nghị định hoạt động công chức cấp xã, tại khoản 1, điều 6, cần xem xét diện tích, dân số ở địa phương đó để bố trí cán bộ làm việc phù hợp với cả số lượng và nhiệm vụ việc làm, ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa đề nghị nên giao cho UBND các tỉnh, thành bố trí cán bộ, số người làm việc nếu một số địa phương có sáp nhập...
Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng và trách nhiệm của các đại biểu. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ tiếp thu, tổng hợp và sẽ báo cáo với Chính phủ trong thời gian sớm nhất.