Chuyến thăm, làm việc của 52 doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam (VN) vừa qua đã thể hiện niềm tin của cộng đồng DN Mỹ vào môi trường đầu tư kinh doanh của VN. Tuy vậy, VN hẳn cũng phải tính đến cách giữ chân các nhà đầu tư Mỹ. Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).
Các doanh nghiệp rất phấn chấn
. Phóng viên: Thưa ông, vừa qua liên tục cùng với đoàn 52 DN Mỹ tiếp xúc, làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội… ông nhận thấy các DN Mỹ bày tỏ niềm tin của mình qua các buổi gặp, làm việc như thế nào?
+ Ông Vũ Tú Thành: Sự thật là hồi đầu năm, sau những tin tức không mấy tích cực ở VN về thị trường bất động sản, trái phiếu DN, thị trường chứng khoán… đã có những lo ngại nhất định từ phía cộng đồng DN nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: C.LUẬN |
Việc lãnh đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đón tiếp trọng thị, kiên nhẫn lắng nghe rất nhiều câu hỏi, đề xuất của DN và giải đáp rõ ràng, xử lý quyết đoán đã khiến đại diện của các DN Mỹ rất phấn chấn. Điều này góp phần củng cố niềm tin của họ vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và sự lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội. Dấu hiệu rõ rệt của sự tin tưởng này là việc các DN công bố kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc các dự án hợp tác, đầu tư mới trong các lĩnh vực mà VN có nhiều tiềm năng như năng lượng, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, logistics...
Ông Vũ Tú Thành. |
Những việc Việt Nam cần làm
. Nhiều năm trước VN đã nói đến việc “dọn ổ cho đại bàng”. Cứ tạm gọi đoàn của các ông vừa rồi là 52 đại bàng. Theo ông thấy thì các đại bàng này đã thích làm tổ ở VN chưa? Họ còn yêu cầu gì để có thể vào làm tổ ngay?
+ Nhiều trong số các công ty này đã có hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh ở VN và đang tiếp tục mở rộng quy mô. Một số DN khác đang tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư. Như vậy đã có nhiều DN Mỹ thấy VN là thị trường đủ hấp dẫn để đầu tư. Tuy nhiên, để những DN này đầu tư mạnh và sâu hơn nữa còn rất nhiều việc VN cần làm.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc USABC và 52 doanh nghiệp Mỹ trong chuyến làm việc |
Thứ nhất, phải có nguồn năng lượng sạch, ổn định để cung cấp cho các nhà máy của những nhà đầu tư chất lượng cao đã cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Thứ hai, sự ổn định trong các chính sách về thuế, quyền sử dụng đất. Triệt để áp dụng nguyên tắc không hồi tố đối với những cam kết của Chính phủ về ưu đãi đối với các dự án đầu tư. Uy tín của Chính phủ, mức độ tín nhiệm của thị trường VN phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định này.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp chứng nhận đầu tư, đăng ký DN, giấy phép xây dựng, chứng nhận an toàn phòng, chống cháy nổ…
Thứ tư, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm.
Thứ năm, khung khổ pháp lý về kinh tế số. Nhiều quy định mới ban hành và đang trong quá trình dự thảo áp đặt những hạn chế không cần thiết đối với các công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
Thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược
. Theo dõi hoạt động của đoàn, chúng tôi nhận thấy một trong các khuyến nghị của 52 DN là thể chế, luật pháp. Theo ông, những khuyến nghị của 52 DN có xác đáng không? VNnên có lộ trình thế nào để pháp luật hài hòa và tương thích?
+ Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo cho đoàn DN chúng tôi cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là cuộc cách mạng thể chế hơn là cuộc cách mạng công nghệ.
Những khuyến nghị chính sách của chúng tôi đều trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN và cơ quan quản lý nhà nước. Các vị lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ đều đánh giá cao nhiều đề xuất chính sách của các DN Mỹ.
Sự cởi mở, cầu thị này của các cơ quan lập pháp, xây dựng chính sách là thế mạnh của VN trong mối tương quan so sánh với một số nền kinh tế khác trong khu vực. VN cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa thực tiễn tốt này. Đồng thời tích cực, chủ động tham khảo ý kiến cộng đồng DN, các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trong quá trình soạn thảo các dự án luật và quy phạm pháp luật.
. Một điểm rất quan trọng, tôi nghĩ là thực thi pháp luật vẫn là điều quan trọng ở bất cứ đâu. Các DN Mỹ có nhiều kiến nghị trong lĩnh vực này không?
+ Chúng tôi cũng đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này. Thứ nhất, nâng cao năng lực và cải thiện động lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật, chính sách.
Thứ hai, tăng cường công khai, minh bạch quy trình giải thích, thực thi pháp luật như đã làm với quy trình xây dựng, soạn thảo nhiều quy phạm pháp luật.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của các cán bộ, công chức thực thi pháp luật.
Thứ tư, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong giải thích và thực thi các quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành, giữa các cấp trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và xuyên suốt theo thời gian.
. Theo ông, tựu chung các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để hiện thực hóa những định hướng đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội… qua chuyến thăm vừa rồi của 52 DN Mỹ?
+ Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn, thực chất hơn trong việc tiếp xúc, tham khảo ý kiến DN và các đối tượng chịu ảnh hưởng trong quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật, quy định quản lý.
Đi vào những lĩnh vực cụ thể, Bộ Y tế cần chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với cộng đồng DN, các hiệp hội chuyên môn để tham gia, tổ chức các hội thảo, chương trình tham quan khảo sát, nghiên cứu. Trên cơ sở đó xây dựng các quy định cụ thể để triển khai các cải cách lớn đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua trong các luật vừa mới ban hành và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Các bộ TT&TT, Công an, Công Thương cần tiếp tục tham vấn thường xuyên, chặt chẽ với cộng đồng DN trong và ngoài nước về công tác xây dựng và triển khai các quy phạm pháp luật về kinh tế số theo hướng tạo điều kiện cho việc thúc đẩy các công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
Các bộ Tài chính, KH&ĐT, Công Thương và chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để đảm bảo nguyên tắc ổn định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
. Xin cám ơn ông.
Doanh nghiệp Việt cần chuyển sang tư duy dài hạn, bền vững
. Chúng tôi vẫn cho rằng cần có các DN trong nước là đối tác, đối đẳng… với các đại bàng Mỹ để vừa công bằng đầu tư thương mại vừa lớn lên, vươn tầm thực sự. Theo ông, các DN Việt và ngay cả người VN cần làm gì để có thể sòng phẳng với các DN Mỹ?
+ Trong mọi trường hợp các DN Mỹ luôn rất coi trọng khách hàng, đối tác của mình ở bất kỳ thị trường nào, dù là ở Mỹ hay VN. Trong mỗi DN Mỹ luôn có chính sách “bản địa hóa về nhân sự”. Theo đó, các tài năng người Việt luôn được chú trọng bồi dưỡng và đề bạt vào những vị trí quản lý cấp cao, kể cả cấp cao nhất là tổng giám đốc. Đây là cơ hội lớn nên người lao động VN cần tăng cường tự học hỏi, nâng cao tính cầu thị, cập nhật nhanh các kiến thức, công nghệ, phương pháp quản trị mới của thế giới để nắm bắt.
Về phía DN Việt, cần bỏ tư duy tập trung vào “ao nhà”, mà chuyển sang tư duy dài hạn, bền vững, gắn mô hình kinh doanh của mình với xu hướng phổ quát của thị trường, của nền kinh tế VN, khu vực và toàn cầu, vì nền kinh tế VN có độ mở rất lớn.