Về lĩnh vực xuất, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN, Bộ Công an cho biết các chính sách được đề xuất đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tháng 5.2023 để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Về dự luật Căn cước thay thế luật CCCD năm 2014, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng. Một số nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc VN ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu… cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của VN...
Về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tiếp tục lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất các chính sách trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, đề xuất không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong hạn mức giới hạn tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Luật PPP quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50%, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Các chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống, không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu". Thủ tướng cũng lưu ý, thủ tục xuất, nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng, chống tiêu cực. Trước mắt, cần tập trung thực hiện xây dựng, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.