Các cuộc đình công kéo dài 24 giờ trong ngày 27/3 được thúc đẩy bởi công đoàn Verdi và công đoàn đường sắt – vận tải EVG.
Các sân bay – bao gồm hai sân bay lớn nhất của Đức ở Munich và Frankfurt – trở nên vắng vẻ do nhiều chuyến bay bị hủy. Dịch vụ đường sắt của công ty nhà nước Deutsch Bahn (DB) cũng bị đình trệ. Các công nhân mặc áo khoác màu vàng, đỏ đã thổi còi, giơ biểu ngữ và vẫy cờ khi biểu tình.
Hiệp hội Sân bay ADV ước tính có 380.000 hành khách đi máy bay bị ảnh hưởng. Chỉ riêng ở Frankfurt, gần 1.200 chuyến bay chở 160.000 hành khách đã bị hủy và những du khách mắc kẹt phải ngủ trên ghế băng. Ở Cologne, việc thiếu các chuyến tàu nội thành đã khiến nhu cầu đi taxi tăng vọt.
Đây là một trong những cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu quay cuồng vì lạm phát.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước khi xung đột bùng phát ở Ukraine, đã bị ảnh hưởng nặng nề khi tỷ lệ lạm phát vượt quá mức trung bình của khu vực đồng euro trong những tháng gần đây. Giá tiêu dùng của Đức đã tăng cao hơn dự đoán trong tháng 2 - tăng 9,3% so với một năm trước đó.
Công đoàn Verdi hiện đang tham gia đàm phán thay mặt cho khoảng 2,5 triệu nhân viên, bao gồm cả lĩnh vực giao thông công cộng và hàng không. Công đoàn vận tải và đường sắt EVG đàm phán thay mặt khoảng 23.000 nhân viên công ty đường sắt DB và các công ty xe buýt.
Verdi đang yêu cầu tăng lương 10,5%, tức là tăng ít nhất 500 euro mỗi tháng, trong khi EVG đang yêu cầu tăng 12% hoặc ít nhất 650 euro mỗi tháng.
Người sử dụng lao động, chủ yếu là các công ty nhà nước, đến nay vẫn từ chối yêu cầu, thay vào đó đưa ra mức tăng 5% với hai khoản thanh toán một lần là 1.000 euro và 1.500 euro, trong năm nay và năm tới.
Lãnh đạo các đơn vị giao thông công cộng cũng cảnh báo rằng việc tăng lương cho nhân viên ngành vận tải sẽ dẫn đến giá vé và thuế cao hơn.
Người phát ngôn của DB cho biết: “Hàng triệu hành khách phụ thuộc vào xe buýt và tàu hỏa đang phải chịu đựng cuộc đình công quá mức này.”
Những hành khách bị mắc kẹt vừa tỏ ra thông cảm, vừa không hài lòng về việc đình công. “Điều đó hợp lý, nhưng đồng thời tôi cũng chưa bao giờ đình công trong suốt cuộc đời mình và tôi đã làm việc hơn 40 năm”, một hành khách có tên Lars Boehm nói.
Một lãnh đạo của Commerzbank - Joerg Kraemer cho biết tác động về kinh tế của cuộc đình công hôm thứ Hai đối với ngành vận tải Đức vẫn còn hạn chế, nhưng điều này có thể thay đổi nếu các cuộc đình công kéo dài lâu hơn.
Ông cho biết cuộc đình công “sẽ khiến mọi người căng thẳng và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Đức”. “Nhưng về mặt kinh tế, thiệt hại sẽ chỉ giới hạn trong ngành vận tải vì các nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động và nhiều nhân viên vẫn có thể làm việc tại nhà.”
Người đứng đầu công đoàn EVG Martin Burkert cảnh báo có thể xảy ra các cuộc đình công tiếp theo, kể cả trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh.
Cuộc đình công hôm 27/3 ở Đức là một phần trong làn sóng đình công đang lan rộng ở các quốc gia châu Âu giàu có vài tháng gần đây, bao gồm cả Pháp và Anh, nơi hàng trăm ngàn công nhân vận tải, y tế và giáo dục đang kêu gọi mức lương cao hơn.
Các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã châm ngòi cho làn sóng bạo lực đường phố tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở nước này.
Xem thêm: nhc.109133290823032881-gnoc-hnid-gnot-iv-gnal-gnav-cud-yab-nas-ag-ahn/nv.fefac