Ngày 28.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh nhiều cây rừng tại H.Nam Đông bị đốn hạ, đơn vị đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Nam Đông nhanh chóng xác minh, làm rõ.
Cụ thể, sau khi nhận phản ánh từ báo chí về nhiều cây gỗ rừng hại H.Nam Đông bị đốn hạ, Hạt kiểm lâm Nam Đông đã cùng các cơ quan chức năng tiến hành vào hiện trường xác minh.
Qua đó, lực lượng chức năng xác định khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn xã Thượng Quảng, (H.Nam Đông). Có 19 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 12 cây gỗ đào, trám, chò mới bị đốn, còn nhiều dấu vết mới và 7 cây gỗ đã bị đốn vào khoảng cuối năm 2022.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Nam Đông, trong số 12 cây gỗ mới bị đốn hạ có 5 cây gỗ có gốc đường kính dưới 40 cm và 7 cây gỗ gốc có đường kính từ 40 - 60 cm. Các cây gỗ này nằm rải rác ở các tiểu khu 394 (rừng phòng hộ), tiểu khu 395 và 397 (rừng sản xuất). Các diện tích rừng này thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, UBND xã Thượng Quảng và các cộng đồng thôn, nhóm hộ.
Kiểm tra tại hiện trường, Hạt kiểm lâm Nam Đông phát hiện số cây bị chặt hạ tập trung theo 4 khu vực cách xa nhau, khoảng cách theo đường chim bay từ khu vực này đến khu vực khác gần nhất là 1.500 m, xa nhất là 3.300 m. Số gỗ đã cưa xẻ bị tẩu tán vận chuyển khỏi hiện trường rừng, chỉ còn lại 1 cây trám (mã số 15) chưa bị cưa xẻ. Theo Hạt kiểm lâm Nam Đông, vị trí chặt hạ cách xa khu dân cư, đi bộ đến nơi gần nhất khoảng 3 giờ, nơi xa nhất khoảng 6 giờ đồng hồ.
"Bước đầu Chi cục kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Nam Đông phối hợp cùng lực lượng chức năng truy tìm những người có trong hình ảnh mà báo chí ghi lại, như những người dùng trâu kéo gỗ, người khai thác... để xử lý theo quy định của pháp luật", ông Lê Ngọc Tuấn nói.