Vừa qua, tại phiên chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc bồi thường cho những người bị thiệt hại trong các vụ án oan thường rất chậm. Nhiều trường hợp đã qua đời vì già yếu khi chưa kịp được giải quyết.
Đại biểu đề nghị Chánh án tối cao đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên, “phải tạo điều kiện để cho người bị oan, người bị thiệt hại trực tiếp được nghe lời xin lỗi và nhận bồi thường chứ không phải là con cháu của họ”.
Bồi thường án oan phải theo quy định, tòa án không thể tùy nghi
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời gian gần đây không phát hiện vụ án nào oan, sai phải bồi thường. Nhiều vụ án oan xảy ra đã lâu, có vụ từ 30 - 40 năm trước đây, khi phát hiện ra oan, sai thì người bị oan đã rất già, thậm chí đã mất.
Lý giải điều này, ông Bình cho rằng do chất lượng điều tra, truy tố, xét xử tại thời điểm xảy ra các vụ án oan, sai “chưa cao”, dẫn tới tỷ lệ sai sót nhiều.
Còn về việc tại sao công tác bồi thường án oan, sai thường chậm, ông Bình cho biết phải theo quy định của pháp luật, “tòa cũng không thể vượt qua được luật”.
Chánh án TAND tối cao phân tích, việc bồi thường bao nhiêu thì phải đúng quy định của Bộ Tài chính, người bị thiệt hại phải chứng minh được các chi phí liên quan đến thiệt hại mà mình bị tổn thất (ngoài các khoản bồi thường đã có trong khung quy định - PV).
Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật có những điểm chưa thống nhất về việc tính toán chi phí thiệt hại, cho nên đang có những hạn chế nhất định.
Về phía tòa án, ông Bình khẳng định rất chia sẻ với người bị oan và gia đình của họ. Với các vụ án oan, sai, thiệt hại gây ra cho người bị oan, sai là rất lớn; khi đã sai thì mong muốn của tòa án là phải sửa chữa thật nhanh, phải bồi thường cho người bị oan, sai.
Thế nhưng, như đã đề cập, việc bồi thường phải theo quy định pháp luật, tòa án không thể tùy nghi chi 1 tỉ hay 2 tỉ. “Nếu ta tùy nghi như thế thì nó lại sinh ra câu chuyện khác, có khi lại là tiêu cực. Luật hơi chặt chẽ về việc bồi thường, cũng mong các đại biểu chia sẻ về chuyện này”, ông Bình nói.
Ròng rã kêu oan, chờ được bồi thường
Vấn đề chất vấn giữa đại biểu Quốc hội và Chánh án TAND tối cao là câu chuyện xảy ra trong nhiều vụ án oan, với 2 tình huống thường gặp: thời điểm xác định bị oan cách thời điểm xảy ra vụ án rất xa, quá trình bồi thường mất nhiều thời gian.
Trong vụ án ở tỉnh Điện Biên, cụ Đặng Thị Nga (87 tuổi) cùng 3 người con bị bắt giữ, tuyên án về tội giết người. Nạn nhân mà họ bị cáo buộc sát hại chính là chồng cụ Nga, cha của các con cụ.
Xảy ra từ năm 1989 nhưng mãi đến năm 2017, mẹ con cụ Nga mới được minh oan sau gần 3 thập kỷ sống trong tủi nhục. Lúc này, một người con của cụ vì buồn đau mà bệnh tật rồi qua đời, chưa kịp được gột rửa tiếng oan.
Hay như vụ án ở tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc cũ), năm 1977, ông Mưu Quý Sường (sinh năm 1944) bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc sát hại chính vợ của mình. Cuối năm 2017, tức 40 năm sau, Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Sường, lý do bởi hành vi không cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, ông Sường đã qua đời được 4 năm, việc minh oan và bồi thường phải thông qua con trai ông.
Một vụ án khác cũng xảy ra tại Bắc Giang, ông Hàn Đức Long (64 tuổi) bị ngồi tù oan 11 năm với mức án tử hình về tội giết người. Năm 2017, ông Long được công khai xin lỗi. Nhưng đến nay đã 6 năm, dù gia đình khánh kiệt và từng ngày mong mỏi, ông vẫn chưa thể nhận được tiền bồi thường. Lý do, giữa gia đình và TAND cấp cao tại Hà Nội (cơ quan có trách nhiệm bồi thường) chưa tìm được tiếng nói chung về số tiền bồi thường.
Tương tự, vụ án ở Cao Bằng, cụ Nguyễn Thị May (86 tuổi) cùng 2 người con bị khởi tố với cáo buộc sát hại một quân nhân vào năm 1988. Suốt 30 năm, cụ May đội đơn, gõ cửa các cơ quan tố tụng từ địa phương đến T.Ư để kêu oan.
Năm 2021, sau nhiều lần làm việc nhưng không thống nhất được, mẹ con cụ May quyết định khởi kiện Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1, yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường. Mãi đến tháng 4.2022, hai bên hòa giải thành công, phía viện kiểm sát đồng ý xin lỗi (bằng hình thức đăng báo) và bồi thường 5 tỉ đồng.
Nắm chắc và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Trả lời chất vấn về việc giải pháp nào để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ của ngành.
Ông Trí cho hay đã yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp trong tố tụng hình sự, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là 7 biện pháp điều tra cơ bản (bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất và nhận dạng).
Viện KSND tối cao cũng chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu; kiểm sát viên yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội, nắm chắc và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, không được suy diễn...
Đồng thời, viện trưởng viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại, sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội.
Trường hợp để oan, sai, ngành kiểm sát đã có quy định về hình thức xử lý, từ khiển trách cho tới buộc thôi việc, trường hợp nghiêm trọng thì xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước.