Nhiều “tin tốt”
Bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho biết, liên tục những ngày gần đây, động thái quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ gắn với việc khôi phục thị trường bất động sản đang từng bước tạo ra sự chuyển biến tích cực trong lòng thị trường.
Theo ông Thành, Nghị quyết 33/2023 ngày 11/3/2023 của Chính phủ đã tập trung hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản và ổn định kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay bằng những chỉ đạo cụ thể, tập trung vào những nội dung chính yếu như hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; điều hành linh hoạt nguồn vốn tín dụng; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh; tổ chức thực hiện của các địa phương và tăng cường thông tin, truyền thông… để hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.
Sau Nghị định 08/2023 ngày 5/3/2023, Nghị quyết 33/2023 ngày 11/3/2023 tiếp tục được ban hành kịp thời, quy định cụ thể từng nội dung, lĩnh vực liên quan tới bất động sản… nhằm giúp thị trường tránh “đóng băng” đột ngột hay “nóng sốt” bất ngờ. Các chính sách liên tục được đưa ra thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ người dân và doanh nghiệp làm đúng; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Global Home
Một trong những nội dung nổi bật trong Nghị quyết 33/2023 là giao quyền cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết hồ sơ dự án. Ông Thành cho hay, thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện tâm lý “sợ sai” của cán bộ chuyên trách, không dám phê duyệt hồ sơ, khiến quá trình hoàn thiện thủ tục dự án bị kéo dài.
Ngoài ra, theo ông Thành, thị trường bất động sản bị tắc nghẽn còn do yếu tố tin đồn. Năm 2022, tin đồn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp. Tại Nghị quyết 33, nội dung chỉ đạo thứ 6 yêu cầu các cơ quan truyền thông đưa tin công khai, minh bạch, mang tính chất đóng góp tích cực cho thị trường.
“Nghị quyết 33/2023 ban hành kịp thời, đúng thời điểm và có trọng tâm, giúp loại bỏ những tin lá cải, làm méo mó thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị quyết số 33/2023 đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chính yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và điều quan trọng nhất là Nghị quyết đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Việc Chính phủ chỉ đạo tổng thể các giải pháp cũng rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm “tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và giúp thị trường sớm hồi phục trở lại.
Những chính sách hỗ trợ gần đây thổi thêm sinh khí vào thị trường địa ốc. Ảnh: Dũng Minh |
Dòng tiền quay về
Cũng bình luận về bối cảnh vĩ mô hiện tại, nhóm nghiên cứu từ Sen Vàng Group cho rằng, việc lãi suất điều hành giảm sẽ giúp hạ lãi suất huy động, từ đó hạ lãi suất cho vay. Điều này sẽ tác động ngay lập tức tới doanh nghiệp và thị trường bất động sản, vừa làm giảm áp lực cho các doanh nghiệp vay vốn, vừa tăng cơ hội tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp.
“Không chỉ với doanh nghiệp địa ốc, mà doanh nghiệp ngoài ngành khi kinh doanh tốt cũng có cảm hứng hơn với lĩnh vực này, tạo thêm dòng tiền cho thị trường”, nhóm chuyên gia Sen Vàng Group nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, việc các ngân hàng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp thị trường và doanh nghiệp địa ốc đỡ “ngộp” hơn. Đặc biệt, nếu các thông tin phi kinh tế kém tích cực không còn xuất hiện thì thị trường bất động sản sẽ chỉ bị khủng hoảng nhẹ và có thể vượt qua được “cơn gió ngược” hiện tại, giúp doanh nghiệp và thị trường sớm phát triển trở lại.
Nhóm chuyên gia từ Sen Vàng Group cũng đề cập đến dự trữ ngoại hối như là một nguồn lực lớn để hỗ trợ nền kinh tế khi cho rằng, Việt Nam hiện tích lũy được hơn 92 tỷ USD và khi cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì niềm tin sẽ quay trở lại, từ đó dòng tiền đầu tư từ bên ngoài tìm đến Việt Nam cũng trở nên nhiều và đa dạng hơn.
Còn theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó giám đốc bộ phận Tư vấn và Định giá, Savills Hà Nội, đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn nên không thể tránh việc giá đất tăng theo thời gian và theo quy luật cung cầu. Do đó, việc xác định giá đất theo thị trường quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đảm bảo tính công bằng cho các chủ thể có liên quan và giúp cho nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng một cách hiệu quả.
Bà Vân cho rằng, Nhà nước nên để cho thị trường tự điều chỉnh giá trị và sử dụng các công cụ, chính sách phù hợp để phân bổ lại giá trị đất. Hơn nữa, quá trình định giá tài sản là một quy trình phức tạp, đòi hỏi cần được thực hiện bởi đội ngũ có chuyên môn cao với phương pháp định giá chính xác, hiện đại và toàn diện.
“Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai…, tất cả những điều này đều hướng tới quy trình minh bạch hơn, mang lại lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là điểm tích cực mà Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ mang lại cho thị trường”, bà Vân nhấn mạnh.
Xem thêm: lmth.876713tsop-mohn-nehn-nit-mein-co-aid-gnourt-iht/nv.naohkgnuhchnahnnit.www