Ngày 28-3, Belarus tuyên bố họ đã quyết định tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, sau nhiều năm chịu áp lực từ Mỹ và đồng minh nhằm thay đổi định hướng chính trị và địa chính trị của nước này.
"Chúng tôi đã giao tới Belarus hệ thống cực kỳ hiệu quả và nổi tiếng Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân. Ngày 3-4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện và ngày 1-7 sẽ hoàn tất việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", ông Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25-3.
Loại vũ khí hạt nhân được Nga đề cập là vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), được hiểu là các loại vũ khí hạt nhân dùng cho các mục đích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, chứ không dùng cho mục đích hủy diệt trên diện rộng, ví dụ hủy hoại các thành phố lớn.
Việc triển khai sẽ đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai bên ngoài biên giới kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Tuyên bố này đã nhanh chóng đẩy căng thẳng giữa Nga, Belarus và phương Tây tăng lên.
Bộ Ngoại giao Belarus đã giải thích cho quyết định hợp tác với Nga trong tuyên bố ngày 28-3, nói rằng Minsk đang hành động để bảo vệ mình trước phương Tây.
"Trong hai năm rưỡi qua, Cộng hòa Belarus đã phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh, các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), cũng như các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu", tuyên bố trên cho biết.
Belarus cũng nhấn mạnh: "Trước tình huống này, cũng như những lo ngại và rủi ro chính đáng về an ninh quốc gia phát sinh từ đó, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình".
Minsk cho biết các kế hoạch hạt nhân của Nga sẽ không vi phạm các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân, vì chính Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine sau khi Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus.