Theo quy định của UBND TP HCM, từ ngày 1-4, tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu đều dừng hoạt động (trừ cơ sở Trung Tuyến - huyện Cần Giờ, công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn). Sản lượng heo giết mổ hiện hữu khoảng 5.000 con/ngày sẽ đi vào giết mổ công nghiệp hay chuyển một phần về tỉnh để giết mổ thủ công vẫn là một câu hỏi lớn.
Nhà đầu tư lo lắng
Ngày 28-3, tại Trung tâm Báo chí TP HCM, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã tổ chức họp báo về "vận hành nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ" (huyện Củ Chi). Tuy nhiên, buổi họp báo chủ yếu thông tin về những lo ngại khi nhà máy đi vào hoạt động.
Vận hành thử nghiệm giết mổ công nghiệp tại Nhà máy An Hạ .Ảnh: AN NA
Ông Lê Văn Thành, quản lý nhà máy, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết doanh nghiệp (DN) đã đầu tư 300 tỉ đồng (chưa tính chi phí đất - PV) để đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà máy và đang lo chậm thu hồi vốn. "Lâu nay, công ty vận hành giết mổ thủ công cơ sở Xuyên Á, sản lượng giết mổ khoảng 1.800 - 2.000 con heo/ngày nhưng đến ngày 1-4 vận hành giết mổ công nghiệp chỉ còn 500 - 600 con/ngày. Trong khi đó, chi phí gia công giết mổ công nghiệp cao gấp 2-3 lần giết mổ thủ công nên khó thu hút thương lái vào giết mổ" - ông Thành lo ngại.
Theo ông Thành, hiện nay đã xuất hiện tình trạng các thương lái di chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ (Đức Hòa - Long An). "Điều này dẫn tới một nghịch lý là TP HCM đóng cửa tất cả cơ sở giết mổ thủ công nhưng lại tiếp nhận thịt heo từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận đưa về tiêu thụ. TP HCM cũng xuất hiện nhiều điểm giết mổ trái phép với số lượng lên đến 1.000 con/ngày, gây mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường sống của người dân nhưng chưa được xử lý triệt để. "Trước thực tế trên, Công ty An Hạ kiến nghị UBND TP HCM và ban, ngành có biện pháp ngăn chặn nguồn thịt heo được giết mổ ở các lò thủ công từ các tỉnh lân cận đưa về TP HCM tiêu thụ; ngăn chặn giết mổ lậu nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng đối với các DN đã thực hiện đúng chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP HCM trong việc bảo đảm cung cấp nguồn thịt sạch cho người dân" - đại diện DN cho hay.
Ông Lê Văn Mỵ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn - chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng - Hóc Môn), cũng rất lo lắng khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức ngày 1-4 vì sợ thương lái chuyển về tỉnh. "Nếu cả nước cấm giết mổ thủ công thì dễ, đằng này chỉ TP HCM cấm nên sẽ khó thực hiện vì giá giết mổ công nghiệp cao hơn. Ở giai đoạn đầu, giết mổ công nghiệp hình thức thịt heo không đẹp, thịt bị bầm, chúng tôi phải cải tiến rất nhiều mới đạt theo thị hiếu khách hàng" - ông Mỵ phản ánh. Để khuyến khích nhà đầu tư, ông Mỵ kiến nghị cần trợ giá giết mổ công nghiệp trong giai đoạn đầu, tiền có thể lấy từ quỹ bình ổn.
Chuẩn bị sẵn sàng
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, cho biết kế hoạch bố trí các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn đang thực hiện đúng kế hoạch. Tức là từ ngày 1-4 sẽ ngưng toàn bộ các cơ sở giết mổ gia súc hiện hữu, không có cơ sở nào xin gia hạn trừ cơ sở Trung Tuyến huyện Cần Giờ, công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn đặc thù.
"Thời gian đầu vận hành không tránh khỏi chệch choạc nhưng không lớn. Việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu. Trước đó, chương trình này đã phải trì hoãn rất nhiều lần bởi nhiều lý do" - ông Đinh Minh Hiệp bày tỏ.
Về vấn đề nguồn thịt heo từ các tỉnh đưa về, ông Đinh Minh Hiệp cho rằng từ trước đến giờ, TP HCM chưa bao giờ tự cung cấp được 100% thịt heo hay heo hơi. Sản lượng thịt heo từ các tỉnh đưa về TP HCM tiêu thụ khác nhau qua các thời kỳ.
"Nguồn thịt heo giết mổ tại TP HCM vẫn có nhiều lợi thế, nhất là rất gần nơi tiêu thụ. Sau này, khi công suất giết mổ tăng lên thì chi phí sẽ hạ, khi đó càng thu hút lượng heo từ các tỉnh đưa về" - Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM nhìn nhận. Trong vài ngày tới, lực lượng thú y TP HCM sẽ ngưng kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ thủ công, chuyển sang các nhà máy giết công nghiệp cũng như tăng cường các đoàn liên ngành kiểm tra việc giết mổ lậu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-3, một số chủ cơ sở giết mổ thủ công tại TP HCM cho biết sẽ đóng cửa theo thời gian quy định, thậm chí sớm hơn; mặt bằng cơ sở tạm thời sẽ sử dụng vào các mục đích khác như bãi giữ xe, nhà kho… Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa quyết định phương án sẽ về đâu giết mổ mà còn chờ xem cơ quan chức năng có nhất quán trong thực hiện các quyết định hay không.
Ngưng giết mổ thủ công khoảng 5.000 con/ngày
Theo Quyết định 231 ngày 18-1 của UBND TP HCM, 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công tại TP HCM sẽ ngưng hoạt động, chỉ được hoạt động đến ngày 31-3 với tổng sản lượng khoảng 5.000 con/ngày. Trong đó, Xuyên Á, Xuân Thới Thượng (phần thủ công) và Bình Tân là 3 cơ sở lớn nhất (từ 750 - 1.850 con/ngày); còn lại số lượng giết mổ chỉ 45-440 con/ngày.
Hiện các đơn vị giết mổ công nghiệp gồm Vissan (Bình Thạnh), An Hạ, Sagri, Lộc An (huyện Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) dư công suất để "gánh" thêm sản lượng giết mổ thủ công chuyển sang. Tuy nhiên, việc các nhà máy này có thu hút được thương lái hay không thì còn chờ thực tế trả lời.
Xem thêm: mth.93723222282303202-gnoc-uht-om-ol-cac-auc-gnod-mch-pt/et-hnik/nv.moc.dln