Giữa tháng 12 năm ngoái, tại một diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel than phiền rằng “kế hoạch tăng vốn trình ra cơ quan quản lý 5 tháng chưa được giải quyết” và “nhà đầu tư thì đã có rồi nhưng doanh nghiệp vẫn chờ thủ tục trong vô vọng”.
Mãi đến ngày 24/2/2023, Vietravel mới công bố đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ từ 173 tỷ đồng lên 293 tỷ đồng để thực hiện chiến lược kinh doanh 2023. Cụ thể, Công ty phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 168 tỷ đồng cho Tập đoàn Hưng Thịnh (tỷ lệ chuyển đổi 28.000 đồng/cổ phiếu) và 6 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Vietravel.
Tương tự, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) đã thông qua phương án tăng vốn từ đại hội cổ đông thường niên 2022 và đến 27/12 năm ngoái có nghị quyết điều chỉnh phương án phát hành và hồ sơ phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu, nhưng đến nay, vẫn chưa có thông báo hoàn tất hồ sơ tăng vốn.
Gemadept dự định chào bán hơn 100 triệu cổ phần với giá 20.000 đồng/cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 90:30. Nguồn vốn huy được dự kiến để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ, thực hiện kế hoạch đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của cảng này và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa, đầu tư mua sắm tài sản cố định để phát triển hoạt động kinh doanh.
Dù thị trường chứng khoán khó khăn nhưng Gemadept có điều kiện thuận lợi để huy động vốn, bởi cùng với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cơ bản, Công ty còn có lợi nhuận từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ, lợi nhuận cả năm có khả năng tăng cao.
Một vài doanh nghiệp cũng cho biết, hồ sơ tăng vốn (được thông qua từ đại hội cổ đông năm 2022) vẫn đang tắc ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Thông thường, các năm trước, hồ sơ tăng vốn theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên sẽ được hoàn tất vào nửa cuối năm hoặc sang đầu quý I năm sau.
Có doanh nghiệp phản ánh là do nhân sự ở UBCK có biến động và do Ủy ban đang làm chặt hơn trong việc xét duyệt hồ sơ tăng vốn so với giai đoạn trước, nhất là với những hồ sơ phát hành cổ phiếu mới. Doanh nghiệp thường được yêu cầu bổ sung thêm các giấy tờ và phát sinh thủ tục hành chính.
Chẳng hạn, để giảm trách nhiệm, cơ quan xét duyệt hồ sơ gửi công văn hỏi cơ quan khác xem công ty nộp hồ sơ tăng vốn có liên quan đến sai phạm kinh tế hay người đại diện theo pháp luật có liên quan đến vi phạm hay không.
Dù vậy, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, việc hồ sơ xin phát hành tăng vốn của doanh nghiệp chậm được thông qua cũng có phần lỗi của chính doanh nghiệp. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sao Mai An Giang đã rút hồ sơ xin tăng vốn năm 2022 do phải giải trình về việc trả cổ tức.
Nghị quyết đại hội cổ đông thông qua việc trả cổ tức bằng tiền nhưng doanh nghiệp lại thực hiện trả bằng cổ phiếu, do đó, cơ quan quản lý yêu cầu phải tổ chức đại hội cổ đông để xin ý kiến về phương án chia cổ tức mới.
Hay trường hợp Công ty cổ phần Năng lượng và bất động sản Trường Thành (mã TEG), khi chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu và đấu giá cổ phần, Công ty có đưa ra kế hoạch cổ phiếu mới được niêm yết bổ sung sau 2 tháng.
Vậy nhưng, nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu từ tháng 9/2021 thì đến tháng 5/2022 mới có thể bán cổ phiếu. Điều này gây thiệt hại cho nhà đầu tư, bởi khi cổ phiếu được giao dịch rơi đúng vào nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường.
Trước khi phát hành, TEG đã được cảnh báo có thể vướng quy định, dẫn đến chậm trễ việc niêm yết bổ sung nhưng Công ty đã bỏ qua. Cụ thể, năm 2021, TEG tăng vốn để mua lại Công ty Năng lượng Trường Thành (TTP). Theo quy định tại Nghị định 155 (có hiệu lực từ 1/1/2021), TEG là trường hợp cơ cấu lại công ty niêm yết.
Do đó, để niêm yết bổ sung cổ phần phát hành mới, TEG phải nộp báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước, cùng hồ sơ niêm yết khác theo quy định. Tuy nhiên, mẫu báo cáo này lại phải đợi thông tư hướng dẫn ban hành.
Ngày 14/2/2022, Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 10/2022/TT-BTC) được ban hành và phải tới 1/4/2022 mới chính thức có hiệu lực.
Phát hành cổ phiếu là phương thức huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kênh trái phiếu tắc nghẽn và việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn hơn, chịu lãi suất cao hơn. Song để khơi được dòng vốn này, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp niêm yết, mà cần sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan quản lý.