Cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong 24 năm
Theo đó, 6 công ty sau khi chia tách sẽ phụ trách 6 lĩnh vực chính của tập đoàn: điện toán đám mây; thương mại điện tử trong nước (sàn Taobao Tmall); thương mại điện tử toàn cầu; bản đồ số và giao nhận đồ ăn; các dịch vụ hậu cần; và truyền thông số, giải trí.
Các công ty sẽ thực hiện các đợt huy động vốn riêng và tìm hiểu về khả năng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), theo Hãng tin Reuters.
Ngoại lệ duy nhất là sàn thương mại điện tử Taobao Tmall. Công ty này vẫn sẽ thuộc sở hữu hoàn toàn của Alibaba.
Tập đoàn Alibaba sẽ đóng vai trò tổng công ty, tiếp tục được giám sát bởi ông Trương Dũng (Daniel Zhang) trong vai trò chủ tịch kiêm giám đốc điều hành. Các công ty mới thành lập sẽ có giám đốc điều hành và ban giám đốc riêng.
"Lần cải tổ này sẽ giúp tập đoàn chúng ta trở nên linh hoạt hơn, tinh giản quá trình đưa ra quyết định, qua đó phản ứng nhanh hơn với biến động thị trường", ông Trương Dũng giải thích trong bức thư gửi nhân viên tập đoàn.
Ông Trương nói thêm: "Mỗi công ty sẽ phải đối mặt với những thay đổi liên tục của thị trường và mỗi nhân viên Alibaba sẽ phải quay lại tâm thế của người khởi nghiệp".
Đây là cuộc tái cấu trúc lớn nhất của tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc kể từ khi thành lập vào 24 năm trước. Kế hoạch cải tổ được công bố một ngày sau khi tỉ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, xuất hiện công khai trở lại ở Trung Quốc đại lục sau khoảng một năm ở nước ngoài.
Rất nhiều triển vọng mở ra với Alibaba
Nhà đầu tư giao dịch tại quầy của Alibaba ở Sàn chứng khoán New York, Mỹ trong ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times, một trong những lợi ích lớn nhất của việc tách tập đoàn là làm giảm lo ngại của Chính phủ Trung Quốc về mức độ tập trung quá cao quyền lực và ảnh hưởng của Alibaba lên người dân.
Với tư cách một pháp nhân độc lập, các mảng kinh doanh của Alibaba vẫn sẽ vận hành bình thường nếu một mảng khác bị chính phủ để ý.
"Bằng cách chia nhỏ việc kinh doanh thành 6 pháp nhân, Alibaba hướng đến các quy chế điều hành ‘dễ thở’ hơn. Việc cải tổ sẽ giúp từng công ty hoạt động trong một khuôn khổ điều hành dễ dàng quản lý, thay vì một thực thể lớn dễ bị ảnh hưởng bởi các quy chế ngặt nghèo hơn", ông Oshadhi Kumarasiri, phân tích viên tại Viện Nghiên cứu Lightstream, cho biết.
Về mặt kinh tế, việc cho phép các mảng kinh doanh vận hành một cách độc lập được xem là ‘chất xúc tác’ cho sự phát triển của chúng.
"Việc cải tổ cho thấy khả năng linh hoạt và thích ứng của Alibaba - một tập đoàn có quy mô hiện tại rất lớn. Khi không còn bị ràng buộc bởi những mảng kinh doanh kém phát triển, các mảng vốn thành công hơn có thể gọi vốn dễ dàng hơn với mức giá rẻ hơn công ty mẹ", ông Stuart Cole, chuyên gia kinh tế vĩ mô đứng đầu Quỹ tài chính Equiti (London, Anh), phân tích.
Chính ông Trương Dũng cũng thừa nhận điều này khi chỉ ra trong bức thư gửi đến nhân viên rằng việc chuyển sang mô hình tổng công ty là điều dễ hiểu, bởi bản chất 6 lĩnh vực kinh doanh của công ty không giống nhau, từng lĩnh vực đều ở giai đoạn phát triển khác nhau và có các yêu cầu đặc thù riêng.
Ngoài ra, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, việc cải tổ cũng góp phần đánh bật mối lo ngại Alibaba đã mất tiềm năng tăng trưởng, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới.
"Giờ đây, các nhà đầu tư sẽ có thể đổ tiền vào các mảng họ muốn và tránh các mảng họ không muốn", ông Cole giải thích.
Ngay sau khi kế hoạch cải tổ được công bố, giá các cổ phiếu được niêm yết ở Mỹ của tập đoàn đã tăng 14%, theo Hãng tin Reuters.
Hôm qua 27-3, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin tỉ phú Jack Ma - đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba - đã trở về Trung Quốc đại lục, sau khoảng một năm ở nước ngoài.
Xem thêm: mth.18111909092303202-noc-yt-gnoc-6-hnaht-hcat-ut-ihk-uas-ababila-auc-gnov-neirt/nv.ertiout