Anh đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa khoa học đời sống và sinh học hệ thống - ĐH Turin (Ý). Nhìn lại hành trình vừa đi qua, anh chia sẻ:
- Nhà mình không có đất canh tác, cha mẹ phải mướn đất, vay mượn mới có tiền làm vốn trồng rau. Sau giờ học, mình luôn có mặt ngoài đồng rau, hiểu được cái khó của cha mẹ và những người nông dân khác. Đôi lúc thấy mình may mắn vì xuất thân trong gia đình nghèo như một động lực để luôn vươn lên.
Đi lên từ gian khó
* Vất vả là thế, bạn thu vén đi học châu Âu ra sao?
- Thời đại học, mình vay hơn 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo lãi suất thấp để đóng học phí. Mãi tới lúc du học Thụy Sĩ mới có đủ tiền trả hết nợ ngân hàng. Hồi mình nhận học bổng du học 2 năm thạc sĩ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chính phủ Hungary, mẹ mình vừa vui vừa buồn vì tiền làm visa ngoài Hà Nội, rồi vé máy bay đều phải tự chi trả.
Rồi bà con chòm xóm biết chuyện, thế là mỗi người góp một ít, người vài chục, người vài trăm giúp mình tiền vé máy bay. Tâm nguyện của mình lúc nào cũng phải là phấn đấu học tập, nỗ lực đem kiến thức nông nghiệp giúp người nông dân Việt Nam trong đó có những người đã từng giúp đỡ lúc mình khó khăn nhất.
* Có lúc nào vì khó khăn quá trên hành trình của mình mà bạn đã nghĩ đến bỏ cuộc?
- Đôi lần mình đã từng nghĩ đến bỏ cuộc hay lo lắng trước những công việc, sự kiện lớn để rồi nhận ra mọi việc sẽ ổn. Một khi cố gắng hết sức, bạn không có gì phải hối tiếc. Mình vẫn luôn nghĩ rằng khi suy nghĩ tích cực sẽ thu hút năng lượng tích cực quanh mình.
Đừng bao giờ bỏ cuộc và luôn tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Mình tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, tự nhắc bản thân suy nghĩ như một hạt proton luôn tích cực. "Be like a proton, always positive!". Đó là câu mình nhìn thấy trong bức ảnh trên bàn làm việc của một đồng nghiệp người Đức và nhớ mãi.
Đóng góp cho nông nghiệp nước nhà
* Dự án nào bạn đang góp mặt liên quan đến phát triển nông nghiệp trong nước?
- Một trong những dự án mình đang giữ vai trò trưởng nhóm là "Diễn đàn khoa học Việt Nam về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" để thúc đẩy hoạt động học thuật, hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nhóm dự định cùng ba trường đại học trong nước tổ chức hội thảo liên quan trong năm nay.
Mình cũng tham gia Mạng lưới tri thức Việt Nam tại Hungary và Thụy Sĩ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Từ đề xuất của mình, AVSE Global dự kiến thành lập Mạng lưới bền vững nông nghiệp và môi trường để triển khai các hoạt động sắp tới. Mình cũng đang khởi động lại các lớp học nông nghiệp bền vững dưới tác động xấu của biến đổi khí hậu dành cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực này.
* Bạn đang muốn cùng giải bài toán nào của nông nghiệp quê nhà?
- Chúng tôi hướng đến hai vấn đề: sản xuất bền vững dưới tác động của biến đổi khí hậu và thương hiệu nông nghiệp Việt trên trường quốc tế. Những bài toán cần sự chung tay của nhiều đơn vị trong và ngoài nước, kết hợp các chiến lược phát triển lâu dài. Mình từng thấy bó rau muống của Thái Lan trong một cửa hàng do người Việt làm chủ ở châu Âu bán giá 3-4 euro, trong khi để có số tiền đó, người nông dân Việt Nam phải bán 3-4kg rau muống.
Với các điều kiện sẵn có, mình cho rằng Việt Nam đủ năng lực để sản xuất nông sản chất lượng cao nhưng đang gặp phải vấn đề quảng bá chất lượng, định vị thương hiệu nông sản Việt ở thị trường nước ngoài. Mình muốn cùng các tổ chức, đơn vị, trí thức trẻ lĩnh vực nông nghiệp góp sức đưa thương hiệu nông sản "made in Viet Nam" ra quốc tế.
Tiến sĩ tuổi 27
Đoàn Văn Công từng là thủ khoa "kép" khi đạt điểm tuyển sinh cao nhất và cũng tốt nghiệp đứng đầu ngành khoa học cây trồng Trường ĐH Cần Thơ. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 27 tuổi tại Thụy Sĩ. Trong 10 năm, anh nhận 14 giải thưởng và học bổng trong và ngoài nước.
Anh cũng từng là một cán bộ Đoàn - Hội năng nổ thời sinh viên, học tốt và tích cực với phong trào. Công nói chính những tháng ngày tham gia hoạt động Đoàn giúp anh tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý, trau dồi kỹ năng để thấy tự tin hơn khi bước ra môi trường giao lưu, học thuật ở nước ngoài.
"Tôi cảm ơn những gì mình đã được nhận, biết ơn gia đình, mang ơn người vợ hiền đã đồng hành sát cánh cùng tôi suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ, Đức và Ý" - anh Công chia sẻ.
* Vẫn còn những bạn trẻ Việt yêu nông nghiệp nhưng sợ cảm giác "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"!
- Bao thế hệ nông dân người Việt đã xây dựng hình ảnh nông nghiệp Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu. Mình từng nghĩ sau thế hệ đã qua, ai sẽ là chủ nhân tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng thấy mừng vì gần đây nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê lập nghiệp.
Mình tin với việc giữ những giá trị đáng quý của thế hệ đi trước và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những nông dân trẻ trong đó có mình sẽ là thế hệ kế thừa xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu và đưa thương hiệu nông sản Việt vươn ra thế giới.
TTO - Ít ai ngờ rằng ngay giữa cánh đồng thôn Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam lại mọc lên một trang trại cây trái, rau quả rộng thênh thang, xanh ngút ngàn.
Xem thêm: mth.52231959092303202-gnour-gnod-auc-is-neit-gno/nv.ertiout