Tính đến ngày 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỉ USD, giảm 38,8% so với quý 1-2022.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, kể từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài liên tục giảm, trong tháng 1 đạt gần 1,69 tỉ USD, giảm 19,8%; trong tháng 2 đạt gần 3,1 tỉ USD, giảm 38%, so với cùng kỳ năm 2022
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong 3 tháng của năm 2022 có sự gia tăng đột biến về đầu tư FDI, với các dự án FDI đầu tư quy mô lớn như dự án Lego, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỉ USD. Riêng dự án này chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong quý 1 năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong tháng 3 năm nay, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.
Trong quý 1-2023, có 522 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,2 tỉ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.
Cũng trong khoảng thời gian này, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Không chỉ vốn đăng ký giảm, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỉ USD, giảm 2,2%. Song, mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm.
Đánh giá chung về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tỉ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỉ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ).
Bên cạnh đó, tỉ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ lên mức 22,3% từ mức 18,3% trong 3 tháng đầu năm 2022.
Nếu không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.