Đó là chia sẻ của ông Phạm Minh Tuấn – Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Trước thềm phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Tuấn tiết lộ Bamboo Capital sẽ có nhiều điều chỉnh về mặt chiến lược kinh doanh, mô hình hoạt động để thích nghi với tình hình kinh doanh nhiều thách thức hiện nay.
Tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản đều đang gặp khó khăn, mảng năng lượng tái tạo còn vướng nhiều vấn đề về chính sách. Đối diện với những khó khăn đó, Tập đoàn Bamboo Capital đã làm gì để vượt qua?
Tình hình chung hiện nay vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn cạn kiệt dòng tiền đã phải cắt giảm nhân sự hàng loạt, thực hiện tái cơ cấu, thu nhỏ quy mô hoạt động. Những doanh nghiệp nhỏ, sức chống chịu yếu hơn đã bị phá sản và biến mất trên bản đồ kinh doanh.
Đối diện với những thách thức đó, Tập đoàn Bamboo Capital đã nhanh chóng quyết định phải thay đổi chiến lược, chuyển từ xu hướng tăng trưởng sang phòng thủ. Nếu như giai đoạn 2020 - 2021 mục tiêu là tăng trưởng mạnh mẽ thì bây giờ mục tiêu của Bamboo Capital là phát triển bền vững, ưu tiên hàng đầu là duy trì hoạt động ổn định và quản trị tốt chi phí và các rủi ro.
Chúng tôi tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án bất động sản đang triển khai, những kế hoạch có tiềm năng trong tương lai nhưng chưa thể thu về kết quả ngay sẽ phải tạm gác lại. Mảng sản xuất có ưu điểm là bền vững, dư địa tăng trưởng lớn sẽ được hỗ trợ phát triển.
Công ty Bảo hiểm AAA cũng được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng chi nhánh và đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng, gia tăng doanh số. Mảng xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ được tập trung để đón đầu những lợi thế về chính sách công, từ đó mở rộng danh mục dự án.
Chúng tôi tin rằng, chiến lược đa dạng hóa ngành nghề nhưng chỉ đầu tư vào một số ngành cốt lõi là đúng đắn. Đa dạng ngành nghề để đa dạng được nguồn thu, giúp Tập đoàn linh hoạt hơn về dòng tiền, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một ngành; nhưng cũng lựa chọn các ngành cốt lõi để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của việc đầu tư.
Mô hình quản trị cũng cần phải thay đổi để Tập đoàn vận hành tối ưu hơn. Những bất hợp lý trong cách tổ chức, cơ chế phân quyền đều phải điều chỉnh lại để bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu quả, vừa giúp giảm tải cho lãnh đạo cấp cao, vừa giúp các bộ phận phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm.
Cụ thể hơn, Bamboo Capital sẽ thay đổi mô hình quản trị như thế nào, thưa ông? Bamboo Capital vừa công bố vài thay đổi về nhân sự cấp cao, liệu điều này có liên quan gì đến việc thay đổi mô hình quản trị mà ông vừa chia sẻ?
Từ khi thành lập đến nay, Bamboo Capital đã trải qua vài lần cơ cấu lại mô hình kinh doanh cũng như mô hình quản trị, lần gần nhất là năm 2019 khi chúng tôi chuyển sang mô hình tập đoàn với việc định hình rõ các nhóm ngành hoạt động cũng như phân nhiệm các thành viên Hội đồng chiến lược chuyên trách cho các mảng hoạt động của tập đoàn, đồng thời chúng tôi cũng xác định một đội ngũ cán bộ chủ chốt đào tạo để họ trở thành đội ngũ lãnh đạo kế cận.
Thực tế cho thấy, việc tái cấu trúc mô hình đã thực hiện tốt vai trò của mình trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của tập đoàn trong thời gian qua. Đứng trước những thay đổi lớn của thị trường trong năm nay, chúng tôi thấy cần có những điều chỉnh về cơ cấu quản trị để phù hợp với điều kiện thị trường thay đổi.
Trong năm nay, chúng tôi sẽ có một số thay đổi về thành viên hội đồng quản trị theo hướng tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập, đồng thời tại các công ty thành viên, bổ nhiệm một số nhân sự mới vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và các nhân sự cấp cao này sẽ vẫn được các thành viên của Hội đồng sáng lập hỗ trợ trong quá trình quản trị.
Bộ máy hoạt động được tinh giảm hơn nữa để tránh chồng chéo, các quy trình tiếp tục cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động hơn, một số cán bộ quản lý cấp cao được rút ra khỏi các vị trí kiêm nhiệm tại Công ty mẹ để tập trung quản lý các mảng kinh doanh lõi toàn thời gian.
Tại Công ty mẹ, chúng tôi tiếp tục tái cơ cấu để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa mô hình công ty đầu tư (holding) và nâng cao năng lực M&A, vốn là hoạt động kinh doanh lõi tại tập đoàn.
Như vậy, việc quản trị doanh nghiệp sẽ do đội ngũ quản lý tại các công ty thành viên có sự chủ động, ít lệ thuộc vào các quyết định tập trung tại tập đoàn, đây cũng là thông lệ quản lý tốt của các tập đoàn lớn trên thế giới. Mô hình này sẽ giúp cho các công ty thành viên chủ động hơn trong các quyết định quản lý trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện tại.
Trên thị trường đang có nhiều tập đoàn lớn thực hiện tái cấu trúc bằng cách cắt giảm lượng lớn nhân sự để tiết kiệm chi phí vận hành. Bamboo Capital có kế hoạch cắt giảm nhân sự hay không?
Theo tôi, việc cắt giảm nhân sự số lượng lớn là chuyện “chẳng đặng đừng” mà không lãnh đạo doanh nghiệp nào muốn. Tuy cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng Bamboo Capital vẫn đang rất cẩn trọng trong kế hoạch cắt giảm nhân sự, vì chúng tôi luôn cho rằng con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của mình.
Để giữ một cái một cái cây đứng trước bão lớn, ta cần tỉa bớt tán cây (thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm thiểu rủi ro), tìm cách gia cố thân cây (tăng cường sức mạnh, tính hiệu quả của mô hình quản trị) và giữ gốc rễ vững chắc (nguồn nhân lực). Còn đội ngũ nhân sự cốt lõi là còn có cơ hội xoay chuyển tình thế và hồi sinh. Hầu hết các nhân sự hiện nay của Tập đoàn đều làm việc cực kỳ năng suất và hiệu quả. Dĩ nhiên, vẫn cần có những điều chỉnh nhất định về mặt phân công nhiệm vụ, luân chuyển công tác để tối ưu công việc hơn.
Khó khăn hiện tại chính là động lực để các doanh nghiệp nhận ra điểm phù hợp hơn trong cách tổ chức, vận hành. Tôi tin rằng, những công ty chủ động tái cấu trúc hợp lý, thay đổi mô hình hoạt động tối ưu sẽ vượt qua được cơn bão hiện nay và mở ra chu kỳ tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn.