Ngày 29.3, TAND TP.Hà Nội xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi, trú Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do nhiều bị hại vắng mặt, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoãn, sẽ mở lại phiên tòa vào ngày 19.4 tới đây.
Theo nội dung cáo trạng, năm 2007, ông Hải thành lập Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (viết tắt là Công ty IDT), giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Công ty hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả.
Do cần tiền, từ năm 2008, ông Hải tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập mạng xã hội "hoclamgiau", tự giới thiệu là tiến sĩ, có nhiều năm kinh doanh tại Liên Xô (cũ). Bị cáo còn quảng bá công ty của mình đang đầu tư vào nhiều dự án lớn, siêu lợi nhuận.
Để thu hút người góp vốn, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất huy động cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng, từ 40 - 50%/năm, thậm chí cắt lãi ngay khi nộp tiền. Bị cáo còn đưa ra chính sách thưởng từ 2 - 10% cho người nào kết nối, môi giới được hợp đồng mới.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10.2014 đến tháng 10.2015, ông Hải huy động được hơn 2.700 tỉ đồng từ 2.574 nhà đầu tư, thông qua hơn 8.300 hợp đồng.
Sau khi có tiền, bị cáo cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức hội thảo, tham quan, du lịch, quảng bá dự án...
Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo chỉ sử dụng hơn 98 tỉ đồng từ số tiền huy động được để góp vốn vào một số công ty, dự án nhưng với danh nghĩa cá nhân chứ không phải Công ty IDT. Các dự án này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như hứa hẹn.
Tài liệu vụ án còn cho thấy, với tiền của nhà đầu tư, ông Hải không quản lý việc thu, chi theo sổ sách kế toán, cũng không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn. Càng về sau, số lượng người đến nộp tiền càng nhiều; có tháng số tiền gốc, lãi và chi phí phải chi trả lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Căn cứ kết quả điều tra, đến nay cơ quan tố tụng xác định được 574 người là bị hại với số tiền bị chiếm đoạt hơn 576 tỉ đồng.
Trong số này, 294 trường hợp yêu cầu bồi thường dân sự, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
70 trường hợp không khiếu kiện, tố cáo, không yêu cầu bồi thường, khẳng định không bị lừa đảo, đề nghị tự giải quyết với bị cáo. 22 trường hợp yêu cầu trả tự do cho bị cáo nhưng yêu cầu bồi thường, trả lại tiền.
Ngoài ra, 69 trường hợp không đến làm việc; 112 trường hợp vắng nhà, đã chuyển đi nơi khác, không sinh sống tại địa phương, không xác định con người, địa chỉ trước đây đã cung cấp; 7 trường hợp đã chết (đã xác định người đại diện thừa kế được ủy quyền).