Các chuyên gia tại tọa đàm “Cải cách thuế thuốc lá - Yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống”
Tọa đàm có sự tham gia của bà Phan Thị Hải - đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế xã hội
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Phan Thị Hải khẳng định thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện được sử dụng hợp pháp. Việc hút thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm giải thích thêm trong khói thuốc lá có đến 7.000 hóa chất, trong đó 70 chất gây ung thư và 250 chất độc. Ngoài ra, chất nicotin trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây nghiện, khiến nhiều người bị lệ thuộc vào thuốc lá.
Việc hút thuốc lá có thể dẫn đến nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, phổi tắc nghẽn mãn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
"Việc hút thuốc còn gây tác động xấu lên thế hệ tương lai. Nếu người mẹ đang mang thai tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, thậm chí có những tổn thương về mặt di truyền đối với em bé sau này", ông Lâm chia sẻ.
Bà Phan Thị Hải cũng cho biết sử dụng thuốc lá đã gây ra gánh nặng lớn cho kinh tế xã hội. Theo ước tính của Bộ Y tế năm 2020, người dân Việt Nam bỏ ra 49.000 tỉ đồng để mua thuốc lá hàng năm.
Tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính trên 24.000 tỉ đồng mỗi năm (gần 1% GDP năm 2011), bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau, bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến hút thuốc gây ra.
Bà Phan Thị Hải - đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)
Cũng theo bà Hải, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những năm gần đây tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới và thanh thiếu niên tại Việt Nam có xu hướng giảm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nữ giới tăng nhẹ từ 1,4% năm 2015 lên 1,7% năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong top 15 quốc gia có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới
Tăng thuế thuốc lá mang lại nhiều lợi ích
Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao, trong đó phải kể đến giá thuốc lá.
Về vấn đề này, ông Lâm đưa ra dẫn chứng : "Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia".
Bà Hải cũng nêu quan điểm: "Vì giá thuốc lá rẻ nên nhiều người, kể cả thanh thiếu niên và những người lao động nghèo, dễ dàng tiếp cận".
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam
Theo ông Lâm, tăng thuế thuốc lá đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang đến hiệu quả tích cực trong việc làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.
Minh chứng như ở Úc, một bao thuốc lá hiện nay có giá rất cao - trên 40 đô la Úc. Trong đó, thuế chiếm đến 70% giá bán. Nhờ vậy, tỉ lệ hút thuốc lá ở quốc gia này giảm đều đặn, đến nay chỉ còn khoảng 10%.
Hay như ở Philippines, tỉ lệ hút thuốc lá liên tục giảm qua các năm: 29% (năm 2009), 23% (năm 2015), 19% (năm 2021). Nguồn ngân sách mà Philippines thu được từ thuế thuốc lá là trên 3 tỉ USD/năm.
Ở Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ đến 3,9 tỉ bao thuốc lá thế nhưng thuế thu được chỉ có 708 triệu đô/năm. Trong khi đó, Thái Lan mỗi năm chỉ tiêu thụ 2 tỉ bao nhưng ngân sách thu gần 2,1 tỉ đô/năm (gấp 3 lần Việt Nam).
Bà Hải nói : "Sở dĩ Thái Lan thu được nguồn ngân sách cao hơn trong khi tỉ lệ sử dụng thuốc lá lại thấp hơn Việt Nam là do quốc gia này đánh thuế thuốc lá đến 78% giá bán lẻ (cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 70%), trong khi Việt Nam chỉ xấp xỉ 38,8%".
Ông Nguyễn Tuấn Lâm tiếp lời : "Chính vì vậy, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và khu vực tăng thuế thuốc lá tác động rất lớn (khoảng 50 - 60%) đến việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá".
"Không những vậy, đa phần người dân Việt Nam đều ủng hộ tăng thuế thuốc lá. Minh chứng là qua những cuộc thăm dò khi tăng thuế thuốc lá trước đây, trên 75% người dân, đặc biệt là những người không hút thuốc đều ủng hộ" - bà Hải khẳng định.
Tăng thuế thuốc lá có những tác động gì đến đời sống xã hội?
Theo các khách mời, tăng thuế thuốc lá sẽ không làm gia tăng tình trạng thuốc lá nhập lậu. Bà Phan Thị Hải cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến buôn lậu thuốc lá là do mức thuế đối với các loại thuốc lá ngoại quá cao.
Bên cạnh đó, không ít người dân cũng có thói quen dùng các hiệu thuốc lá nhập lậu nên các loại thuốc này có mức tiêu thụ còn cao. Hơn nữa, vào thời điểm này, tăng thuế hay không tăng thuế thì mức buôn lậu tại Việt Nam cũng đã cao xấp xỉ 20%.
"Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy các nước có tỉ lệ buôn lậu ít hơn vì tỉ lệ tham nhũng của các đơn vị kiểm soát biên giới ít hơn và ngược lại" - ông Nguyễn Tuấn Lâm nói.
Một vấn đề nữa được đặt ra là liệu rằng khi tăng thuế, đẩy giá thuốc lá lên cao, người dân không hút thuốc nữa thì sẽ làm mất việc làm của nhóm lao động làm việc liên quan đến sản phẩm này.
Các khách mời nhận định hàng năm nước ta nhập khoảng 50% lượng nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất thuốc lá nên việc tăng thuế thuốc lá không tác động nhiều đến lao động trong ngành sản xuất thuốc lá.
Hơn nữa, xét về tổng thể, nếu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá thì sẽ cứu sống được nhiều người, giảm gánh nặng về sức khỏe, kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do vậy để đổi lấy lợi ích lớn hơn, nếu cần thiết, nhà nước sẽ tính toán các biện pháp để hỗ trợ lao động trong nhóm ngành nghề này khi quy mô sản xuất thuốc lá thu hẹp.
Về mức thuế thuốc lá, ông Lâm cho rằng Việt Nam nên có lộ trình thực hiện để hướng tới đạt như mức khuyến cáo của WHO - nghĩa là mức thuế trong giá bán lẻ thuốc lá hiệu quả nhất là từ 70 - 75%.
Tán thành với ý kiến trên, bà Hải nói: "Chúng ta phải có sự tính toán để mức thuế đối với thuốc lá nói riêng và các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung phải đủ cao để giảm tỉ lệ sử dụng các sản phẩm này một cách hiệu quả".
Xem thêm: mth.20422521192303202-couht-tuh-el-yt-ueiht-maig-auq-ueih-pahp-iaig-al-couht-euht-gnat/nv.ertiout