6 điểm đáng lưu ý trong dự thảo sửa đổi thông tư 16/2021
Dự thảo sửa đổi thông tư 16/2021 về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng) đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, trong đó có một số điểm đáng lưu ý như sau:
(1) Cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM mà ngân hàng đã bán ra đến trước ngày 31-12-2023.
(2) Cho phép ngân hàng mua trái phiếu phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động, khi quản lý được nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động.
(3) Không cho phép ngân hàng mua trái phiếu phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
(4) Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán.
(5) Ngân hàng chỉ được phép mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%, và chỉ được phép mua trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp không có nợ xấu trong 12 tháng gần nhất vẫn được giữ nguyên.
(6) Khi ngân hàng mua trái phiếu phát hành, trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, ngân hàng phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.
Dự thảo không tác động nhiều lên hệ thống ngân hàng
Ông Cao Việt Hùng - trưởng bộ phận phân tích tài chính, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) - nhận định, điểm tích cực của dự thảo trên là ngân hàng thương mại được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán trước đó đến ngày 31-12-2023. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, và phần nào làm tăng tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Trong khi đó, dự thảo tác động lên hệ thống ngân hàng sẽ không đáng kể. Vì dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 2,5% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Đối với ngân hàng có tỉ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn như TPBank, Techcombank, MBBank và VPBank, dự thảo trên nếu được áp dụng sẽ cho phép các ngân hàng này linh hoạt hơn trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thực hiện các cam kết (nếu có) liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đội ngũ phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), dự thảo trên giúp hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu, các tổ chức tín dụng và kiểm toán có thể kiểm soát các giao dịch và đảm bảo vốn từ trái phiếu doanh nghiệp được sử dụng đúng mục đích, đồng thời tránh các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy quá lớn và quá rủi ro, phát triển sự lành mạnh của thị trường trái phiếu trong dài hạn.
"Việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023. Tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn, và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành trong thời gian tới", phía Chứng khoán BSC nhận định.
Trước đó, nghị định 08/2023 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với trái chủ để gia hạn kỳ hạn trái phiếu, hoặc thanh toán bằng tài sản khác, cùng với việc tạm ngưng áp dụng một số điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp so với nghị định 153/2020 và nghị định 65/2022.
Chỉ vài ngày sau khi nghị định 08 được ban hành, các doanh nghiệp bất động sản lập tức trở lại 'đường đua', phát hành thành công nhiều lô trái phiếu, huy động tổng cộng gần 12.000 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.7521015192303202-peihgn-hnaod-ueihp-iart-gnourt-iht-ort-oh-gnah-nagn/nv.ertiout