Hôm 28-3, Mỹ tuyên bố ngừng chia sẻ một số thông tin về vũ khí hạt nhân với Nga. Động thái này nhằm đáp trả việc Nga ngừng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ (New START) hồi tháng 2.
Các diễn biến này xuất hiện cùng giai đoạn Nga tuyên bố kế hoạch xây dựng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, khiến lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực hạt nhân tăng cao.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, Nga cho biết họ sẽ không thay đổi quyết định ngừng tham gia New START.
Tuy nhiên Matxcơva khẳng định sẽ tự nguyện cam kết với mức giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân, vốn đã được Nga và Mỹ nhất trí trong New START.
Dưới giới hạn của New START, Mỹ và Nga mỗi bên chỉ có thể triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân trong tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom.
Điều này đồng nghĩa New START đóng vai trò hạn chế mối đe dọa hạt nhân. Mỹ và Nga cũng có những trao đổi, chia sẻ dữ liệu về việc triển khai vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi đã tự nguyện thực hiện cam kết tuân thủ các giới hạn về số lượng do hiệp ước này quy định. Lập trường của chúng tôi không phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ hoặc sẽ không chuyển giao dữ liệu cho chúng tôi", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn RIA, phát ngày 29-3.
Theo ông Ryabkov, Mỹ vẫn là bên còn tham gia New START, vì vậy Washington có nghĩa vụ gửi dữ liệu.
Căng thẳng về thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ diễn ra, đặc biệt sau khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine".
Trong tuyên bố dừng tham gia New START tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ và phương Tây trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công của Ukraine, nhằm vào các mục tiêu Nga và lãnh thổ Nga.
Vì vậy, theo ông Putin, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) yêu cầu Nga cho phép giám sát các cơ sở hạt nhân theo New START là không hợp lý.
Trong động thái liên quan, hôm 29-3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo khởi động tập trận với sự tham gia của tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars và hàng ngàn binh sĩ.
Phương Tây xem đây là một động thái khác của Nga nhằm phô trương sức mạnh hạt nhân. Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhấn mạnh Matxcơva cam kết ngăn chiến tranh hạt nhân cũng như việc đối đầu quân sự giữa các quốc gia hạt nhân với nhau, theo TASS.
Hôm 28-3, Triều Tiên công bố những tiến bộ trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân, chỉ vài ngày sau khi Nga đề cập kế hoạch lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Xem thêm: mth.3722625192303202-nahn-tah-ihk-uv-gnoul-os-ehc-nah-neyugn-ut-es-ion-agn/nv.ertiout