Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Cuộc điện đàm của Tổng bí thư và Tổng thống Mỹ rơi đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023).
Hai nhà lãnh đạo đã gặp trực tiếp vào năm 2015 khi Tổng bí thư có chuyến thăm chính thức Mỹ nhân dịp tròn 20 năm thiết lập quan hệ. Ông Biden khi đó đang là phó tổng thống dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Trong chuyến thăm đó, khi đón Tổng bí thư đến Bộ Ngoại giao Mỹ dự tiệc trưa, ông Biden đã mượn hai câu thơ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để khép lại bài diễn văn dài khoảng 10 phút:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Bài diễn văn mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ của ông Biden còn đề cập đến những bước tiến về việc khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như thương mại, kinh tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh...
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 23-3-2023, phó phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết sau 10 thăm thiết lập, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện gồm song phương, khu vực và quốc tế.
Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao.
Gần đây nhất, vào tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Mỹ dự hội nghị đặc biệt kỷ niệm quan hệ Mỹ - ASEAN và gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo sau đó gặp lại nhau bên lề chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11-2022 tại Campuchia.
Ở chiều ngược lại, vào tháng 8-2021, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến thăm ba ngày tới Việt Nam, không lâu sau khi Việt Nam chuyển trạng thái chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả.
Theo phó phát ngôn Phạm Thu Hằng, trong các tuyên bố chung và các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam và Mỹ cùng nhất quán khẳng định việc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc; luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Mỹ đồng thời nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Đây cũng là khẳng định của các quan chức cấp cao Mỹ trong mỗi chuyến thăm đến Việt Nam thời gian qua.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng nổi bật với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 123 tỉ USD, tăng gấp bốn lần so với năm 2013.
Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD và Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 8 của Mỹ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỉ USD, đưa Mỹ vào vị trí thứ 11 trong số những nước đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
"Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư, trong các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường, cũng có những tiến triển hết sức tích cực", bà Hằng cho biết thêm.
Mỹ cũng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định trong họp báo ngày 23-3.
Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nội dung thông cáo về cuộc điện đàm.
Đối với Đại sứ Marc Knapper, mối quan hệ song phương Việt - Mỹ về cơ bản đã mang tính chiến lược. Ông "cực kỳ hi vọng" về khả năng nâng cấp mối quan hệ này lên Đối tác chiến lược.
Xem thêm: mth.4051209192303202-nedib-eoj-ym-gnoht-gnot-iov-mad-neid-gnort-uhp-neyugn-uht-ib-gnot/nv.ertiout