vĐồng tin tức tài chính 365

Đừng vội tin lời đánh giá dịch vụ trên mạng xã hội

2023-03-30 07:39

Quán ăn ngán ngẩm với KOL 

Ông Lý Nhất Hiếu - chủ hệ thống nhà hàng Hàng Dương Quán - kể, đã có tiktoker (người sáng tạo nội dung trên TikTok) muốn đến nhà hàng của ông để quay video đánh giá món ăn nhưng ông từ chối. Theo ông, “gu” ẩm thực của mỗi người là khác nhau nên việc đánh giá của tiktoker là phiến diện, chỉ thể hiện cảm nhận chủ quan của một cá nhân.

Ông Lý Nhất Hiếu cho rằng, nên quản lý những người chuyên đánh giá dịch vụ (reviewer) bởi họ gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích. Đã có quán ăn phải đóng cửa, phá sản do những lời chê bai không hẳn có căn cứ của các reviewer trên mạng xã hội. Nhận xét, đánh giá món ăn là quyền của mỗi người nhưng sử dụng hình ảnh của quán ăn để câu lượt xem (view) nhằm kiếm tiền là trái pháp luật. Hơn nữa, đầu bếp không phải là cái máy, món ăn có lúc mặn, nhạt khác nhau và tùy thuộc vào khẩu vị thói quen ăn uống của từng người, từng nhóm người. Không thể chỉ vì một lần ăn thấy không vừa miệng mà quy chụp quán nấu dở. 

Những nhận xét không công tâm của các tiktoker, youtuber… có số người theo dõi lớn ảnh hưởng rất nhiều đến các quán ăn. Đã có không ít quán ăn phá sản vì những lời chê thiếu trách nhiệm hoặc cố ý của họ (trong ảnh: Một tiktoker nổi tiếng đang live stream tại một quán ăn)
Những nhận xét không công tâm của các tiktoker, youtuber… có số người theo dõi lớn ảnh hưởng rất nhiều đến các quán ăn. Đã có không ít quán ăn phá sản vì những lời chê thiếu trách nhiệm hoặc cố ý của họ (trong ảnh: Một tiktoker nổi tiếng đang live stream tại một quán ăn)

“Rất nhiều tiktoker đi ăn rồi quay video khen ngon là do đã nhận tiền của chủ quán. Tôi từng đi ăn theo đánh giá của những tiktoker này nhưng không thấy ngon như vậy. Những người này quảng cáo thu tiền, khen chê vô tội vạ mà không rõ có đóng thuế cho Nhà nước hay không. Trong khi đó, chủ các nhà hàng, quán ăn làm đầy đủ trách nhiệm với Nhà nước, xã hội, lại không được bảo vệ” - ông Lý Nhất Hiếu bức xúc. 

Ông Trương Hạnh Công Dân - chủ một nhà hàng dê tươi, hải sản trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 - cho hay, nhà hàng của ông không có chủ trương mời những người có ảnh hưởng đến quay phim, đánh giá sản phẩm, dịch vụ. Từng có một số công ty ngỏ lời mời chạy quảng cáo trên Facebook nhưng ông từ chối. Theo ông, các tiktoker, facebooker, youtuber chỉ là khách hàng đến ăn và trải nghiệm dịch vụ của nhà hàng chứ không phải là chuyên gia ẩm thực. Nếu những người này có lượng theo dõi, tương tác lớn thì những đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của họ ảnh hưởng khá lớn đến việc kinh doanh của quán. 

“Hiện rất khó có thể nào phân biệt được đâu là ý kiến nhận xét của khách, đâu là reviewer. Do vậy, tôi luôn dặn dò các nhân viên, quản lý là luôn cầu thị, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của khách. Nếu nhiều khách khen món nào đó, nhà hàng sẽ đưa món đó làm chủ lực để mời khách thử khi đến quán; món nào chưa ngon thì yêu cầu đầu bếp điều chỉnh cách nêm nếm, nếu điều chỉnh rồi mà vẫn bị chê thì bỏ ra khỏi thực đơn, không bán nữa” - ông Trương Hạnh Công Dân nói thêm. 

Ông Nguyễn Đức Dương - giám đốc một chuỗi quán bò khá nổi tiếng ở TPHCM - thông tin, thương hiệu của ông cũng từng được các tiktoker đến đề nghị quay video đánh giá với chi phí 10-30 triệu đồng/video (tùy theo độ nổi tiếng của tiktoker). Nhận thấy hình thức quảng cáo này không mang tính chất bền vững cho thương hiệu nên ông đã từ chối thẳng. 

Theo ông, nhiều cửa hàng, thương hiệu không tên tuổi thường nhờ những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu dịch vụ của mình đến người tiêu dùng. Đây là cách quảng bá mang lại hiệu ứng nhanh. Tuy nhiên, do không ai quản lý nên hoạt động này đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Ông khẳng định, các tiktoker không tự đến các quán để đánh giá mà tất cả đều được trả phí theo hợp đồng quảng cáo. Do vậy, họ không đánh giá khách quan mà chỉ đánh giá theo yêu cầu của người trả tiền. 

“Những thương hiệu làm ăn chân chính sẽ không chọn hình thức này để quảng cáo. Để khách quan thì nên có một trang ẩm thực được quản lý bởi cơ quan chức năng hoặc chuyên gia uy tín mà ở đó khách hàng chính là người tự đánh giá” - ông Nguyễn Đức Dương đề xuất. 

KOL có quyền tha hồ phán xét? 

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM), việc quay phim đánh giá, phán xét sản phẩm, dịch vụ của cơ sở nào đó rồi đưa lên mạng xã hội cho đông đảo người xem mà chưa có sự đồng ý của chủ cơ sở là vi phạm Bộ luật Dân sự và có thể bị kiện. 

Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Công ty luật TNHH JustivaLaw, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, nên thu thuế những người làm nghề đánh giá dịch vụ. Nếu họ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ở nước ngoài, những người hoạt động trên nền tảng mạng xã hội đều phải nộp thuế do tất cả các giao dịch chuyển tiền đều thông qua ngân hàng. Riêng ở Việt Nam, nhiều người hoạt động ở lĩnh vực này có thu nhập từ quảng cáo khá cao nhưng lại không bị thu thuế.  

Theo ông, pháp luật không cấm họ nhận xét món ăn hay một dịch vụ nào đó. Việc đánh giá của họ có thể giúp các dịch vụ, sản phẩm được cải tiến hơn, giúp người tiêu dùng có chỗ tham khảo để ra quyết định lựa chọn. Tuy nhiên, đang có không ít người nhận tiền của ai đó để cố tình nhận xét tiêu cực về đối thủ. Nếu sản phẩm tốt, món ăn ngon mà cố tình chê với ý đồ triệt hạ là vu khống. 

“Nếu phát hiện những video có tính chất vu khống, tùy theo mức độ thiệt hại, các chủ quán ăn, chủ dịch vụ, có thể nhờ cơ quan thừa phát lại lập vi bằng để làm bằng chứng rồi gửi đơn tố giác đến cơ quan công an địa phương nơi có quán của mình hoặc nơi ở của những tiktoker, youtuber hay facebooker có hành vi vu khống” - luật sư Bùi Minh Nghĩa nói. 

Mới đây, một tiktoker nổi tiếng đã đến quán bún đậu mắm tôm của một người mẫu nổi tiếng. Sau khi ăn, tiktoker này chấm điểm 6,5/10 với lý do chất lượng bình thường, chả cốm cắt hơi mỏng. Sau đó, chủ quán đã lên tiếng cảm ơn và hứa tiếp thu các nhận xét. Vụ việc đã gây xôn xao trên mạng xã hội. Chưa rõ chuyện này là tình cờ hay có dàn dựng.

Giám đốc một công ty kinh doanh hoa tươi kể, vừa qua, có một tiktoker đặt cùng lúc 10 bó hoa bên trang Facebook (fanpage), 10 bó hoa bên trang Zalo của công ty. Người này chỉ chuyển tiền cho 10 bó hoa đặt trên trang Facebook nhưng chụp hình ảnh đã chuyển tiền rồi gửi tiếp cho nhân viên trực trang Zalo. Nhân viên thấy hình ảnh đã chuyển tiền nên đã gửi đi 20 bó hoa. Giám đốc công ty này liên hệ tiktoker trên để trao đổi về việc nhầm lẫn, liền bị hăm dọa sẽ đánh giá xấu về dịch vụ của công ty nếu “không biết điều”. Sợ lớn chuyện, vị giám đốc đành im lặng bỏ qua. 

Quốc Thái - Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.4038841a-ioh-ax-gnam-nert-uv-hcid-aig-hnad-iol-nit-iov-gnud/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Đừng vội tin lời đánh giá dịch vụ trên mạng xã hội ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools