vĐồng tin tức tài chính 365

Làm cầu, hầm bộ hành tại nhà ga Tân Sơn Nhất: Vẫn chờ!

2023-03-30 07:45

UBND TP.HCM vừa đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu, báo cáo với các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng hầm bộ hành hoặc cầu vượt bộ hành kết nối nhà ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với nhà để xe TCP thuộc Công ty CP Đầu tư TCP.

Hai điểm giao cắt thường xuyên gây ùn tắc

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu hành khách/năm nhưng từ nhiều năm nay luôn đón lượng khách vượt xa công suất. Đơn cử như năm 2017, sân bay này đạt 36 triệu khách, năm 2018 đạt 38,3 triệu khách và cao điểm du lịch 2019 lên tới 40,130 triệu khách. Riêng trong năm 2022, Tân Sơn Nhất đón gần 2,3 triệu lượt khách, chiếm 65,5% số khách du lịch quốc tế trên cả nước.

Làm cầu, hầm bộ hành tại nhà ga Tân Sơn Nhất: Vẫn chờ! ảnh 1

Dòng khách tấp nập băng qua làn di chuyển của ô tô tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: P.ĐIỀN

Thực tế khai thác của sân bay này đã vượt công suất thiết kế lên đến 150%, điều này đã tạo áp lực lớn cho khu vực sảnh và các làn ô tô vào ra đưa đón khách càng lớn.

Ba năm trước, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất các đơn vị có liên quan nghiên cứu làm hầm hoặc cầu vượt bộ hành để giảm ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách lưu thông.

Trong một cuộc họp giữa tháng 3, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã đề nghị ACV nghiên cứu, báo cáo thống nhất với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ GTVT để sớm triển khai xây dựng hầm bộ hành hoặc cầu vượt bộ hành kết nối nhà để xe TCP và nhà ga quốc nội. Sau đó, cập nhật tình hình thực hiện gửi UBND TP trong tháng 3 để phối hợp theo dõi triển khai thực hiện.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất có hai điểm giao cắt chính, dễ gây ùn tắc khi hành khách di chuyển tại nhà ga quốc nội kết nối với nhà giữ xe TCP. Điểm đầu tiên là các làn đón và trả khách tiết giáp với nhà ga quốc tế. Đây là điểm đầu các xe vào làn A để trả khách và làn B, C đón khách rời sân bay.

Theo đó, cùng lúc có nhiều làn xe vào trả khách và đón khách sẽ gây ùn tắc, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Quan sát trực quan, dù xe di chuyển chậm, có sự điều tiết của nhân viên hàng không nhưng dòng người luôn đông đúc, nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Điểm giao cắt thứ hai nằm ở trung tâm ga. Điểm này dù không tấp nập như điểm đầu tiên nhưng cùng góp phần ùn tắc do khoảng cách dịch chuyển giữa các làn ngắn, hẹp.

Cũng tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc, cải thiện chất lượng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất với UBND TP, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng giám đốc ACV, cho rằng khoản đầu tư để làm thang bộ hành kết nối nhà ga với nhà giữ xe TCP là không lớn. Tuy nhiên, mọi khoản đầu tư dù nhỏ nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất đều xin ý kiến Cục Hàng không Việt Nam. Liên quan đến việc làm cầu bộ hành để giảm ùn tắc, ACV đã xin ý kiến nhưng chưa có phản hồi.

Theo ông Phương, không chỉ chờ ý kiến từ nhà chức trách hàng không, ACV còn làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp với nhà để xe TCP. Vì nhà xe không thuộc sân bay Tân Sơn Nhất quản lý, do đó cần trao đổi phối hợp mới tính toán phương án triển khai.

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu hành khách/năm nhưng từ nhiều năm nay luôn đón lượng khách vượt xa công suất.

Sẵn sàng hợp tác để làm cầu bộ hành

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện TCP cho biết đơn vị này sẵn sàng bàn thảo cùng ACV tìm phương án để làm cầu bộ hành hoặc hầm bộ hành kết nối nhà ga quốc nội với nhà giữ xe TCP. Giải pháp này sẽ hạn chế ùn tắc, đảm bảo an toàn đối với hành khách. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, phối hợp với ACV để tạo hành lang đi lại thuận lợi nhất đối với hành khách” - đại diện TCP nói.

Còn đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đây là vấn đề tồn tại lâu nay của sân bay có lưu lượng khách đông nhất cả nước. “Với các sân bay nội địa có lượng khách vừa phải, việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng với sân bay hàng chục triệu lượt khách/năm như sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ gây ùn tắc” - vị này nhận định.

Tuy nhiên, phía sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách/năm đang trong quá trình xây dựng sẽ là “cứu cánh” giúp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thoát cảnh quá tải. Do vậy, việc đầu tư cầu hoặc thang bộ hành cần xem xét tính hiệu quả và khi T3 đưa vào hoạt động nên việc đầu tư cần tính kỹ để không mất nhiều chi phí.

PGS-TS Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam kiêm Trưởng ban Cảng hàng không, sân bay, cũng cho rằng sân bay chỉ có một cao trình đã quá tải. Việc xây dựng thang bộ hành để tháo gỡ ùn tắc và hạn chế nguy cơ tai nạn cho hành khách là cần thiết.

Song về lâu dài và gấp rút để chia lửa với sân bay Tân Sơn Nhất là dự án nhà ga T3 và sân bay Long Thành. “Hai dự án này đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt cần tính toán phương án bộ hành an toàn, hạn chế ùn tắc cho nhà ga quốc nội” - ông Đồng nói.•

Hành khách đi lại không an toàn

Là khách thường xuyên trên đường bay nội địa nhưng mỗi lần băng qua làn A và làn B để đón taxi, chị Hoàng Mai (quận Bình Thạnh) không khỏi thót tim vì hai làn này dòng ô tô gần như không ngớt, cắt ngang dòng người đi/đến nhà ga. Chị Mai phàn nàn muốn qua đường đón xe phải ngó trước nhìn sau thật kỹ hoặc ra hiệu để nhân viên an ninh điều tiết chặn xe mới dám băng qua.

Ông Phan Hòa (quận 7) cho biết mỗi lần từ máy bay xuống, băng qua đường đón rất mất an toàn do hai luồng khách đến và đi hòa vào cùng một khu vực. Ông Hòa cho biết nhiều khi mang theo hành lý lỉnh kỉnh, việc băng qua đường đón xe cùng với dòng người đi ngược trở lại rất khó khăn và mất an toàn. “Theo tôi, cần tính cách phân luồng khách đi và khách đến thành hai nhánh để không gây xung đột. Tốt nhất sân bay làm cầu trên cao hoặc hầm bộ hành tạo điều kiện thuận lợi cho khách lưu thông” - ông Hòa nói.

PHONG ĐIỀN

Xem thêm: lmth.982627tsop-ohc-nav-tahn-nos-nat-ag-ahn-iat-hnah-ob-mah-uac-mal/nv.olp

“Làm cầu, hầm bộ hành tại nhà ga Tân Sơn Nhất: Vẫn chờ!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools