Báo cáo xuất khẩu gạo năm 2022 của Bộ Công Thương cho rằng nông dân có lợi nhuận 100% khi giá thành sản xuất lúa bình quân là 3.219 đồng/kg, còn giá lúa là 6.650 đồng/kg. Thông tin này đang gây phản ứng trái chiều, nhất là với bà con trồng cây lúa. Nhiều người cho rằng đó là số liệu không đúng thực tế. Tôi cũng không tin.
Cây lúa có thật lên hương?
Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã từng công bố giá thành sản xuất lúa từng vụ, hằng năm theo đơn vị hành chính tỉnh ở vùng ĐBSCL, nhưng đó chỉ là số liệu tham khảo. Bởi ai cũng biết ranh giới hành chính tỉnh khi tính giá chỉ mang tính ước lượng.
Giá thành công bố không sát thực tế vì chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Các cơ quan quản lý lấy giá lúa thời điểm thu hoạch trừ giá thành để công bố mức lãi 30-40% cho nông dân, xem là thành tích từ hiệu quả của ngành trồng lúa.
Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu trước đây của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ về chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cho thấy quy mô sản xuất lúa từ 3 ha/người trở lên mang lại lợi nhuận tối ưu. Mỗi năm người trồng lúa chỉ làm được hai vụ.
Với hiện trạng sản xuất lúa manh mún, bình quân khoảng 0,4ha/hộ, nông dân khó làm giàu nhờ cây lúa. Lãi 30% còn khó, nông dân kiếm lời đâu ra 100%?
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐBSCL, cho rằng hạt gạo của nông dân bị "cắn chia làm tám phần" nên lợi nhuận bị teo tóp.
Bốn phần nông dân phải chi cho nhà băng do phải vay trước trả sau, lãi suất cao; cho nhà vật tư do phải mua chịu vật tư nông nghiệp đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao, chiếm khoảng 65% chi phí; chi cho nhà mình do gánh nặng chi tiêu hằng ngày, các khoản đóng góp ở địa phương, chiếm khoảng 21% và hiếu hỉ nhà hàng xóm.
Phần thứ năm là nhà xuất khẩu gạo, thứ sáu là bình ổn giá tiêu dùng (CPI). Phần thứ bảy là nhiệm vụ ngoại giao trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu, lúa gạo là lợi ích mà nhiều nước luôn quan tâm trong đối ngoại, hợp tác và phần thứ tám là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Làm cây lúa với nông dân như "cây đòn gánh". Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, nguy cơ ách tắc. Người trồng lúa vừa gánh vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã.
Nông dân hiện nay dù được trợ giúp bởi máy móc cơ giới nhưng trồng lúa vẫn là nghề vất vả, rất khó nói chuyện làm giàu được trong hiện tại. Cái cần là làm sao nông dân không bị mất mùa, trồng lúa như chơi trò may rủi, không chịu cảnh đầu ra bấp bênh, không phải gánh nặng nhiều chi phí.
Làm gì để nông dân làm giàu từ cây lúa?
Những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hầu như không còn nông dân mà được thay bằng "doanh nhân nông nghiệp" với tư duy kinh doanh trên thương trường, có kiến thức quản trị, đưa cách nghĩ, cách làm, cách quản lý và cách kinh doanh của một doanh nhân vào đồng ruộng.
Lúa gạo Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế nếu chúng ta có một chiến lược khôn ngoan trước các đối thủ cạnh tranh. Về mặt sinh thái, môi trường, kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật canh tác, Việt Nam vẫn đang nắm giữ lợi thế. Chúng ta cần là sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, thương hiệu hóa sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng gấp nhiều lần.
Tôi có niềm tin và mơ một ngày người trồng lúa tích hợp đa giá trị có thể làm giàu bằng nghề nông hiện đại. Nhưng lời giải cho bài toán lợi nhuận nông dân cần một sự tiếp cận đa ngành, yêu cầu đổi mới sáng tạo, phát triển nhiều hơn các chuỗi giá trị sau gạo, cần quy mô sản xuất lớn hơn, tăng cường liên kết chuỗi giá trị và doanh nhân hóa nông dân... là vấn đề cần quan tâm hơn là các báo cáo được tô hồng, phi thực tế.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 với thông tin giá gạo xuất khẩu nhiều thời điểm cao, nông dân lãi 100%. Nhưng nông dân, doanh nghiệp nói gì?
Xem thêm: mth.17954928003303202-aul-yac-iov-uaig-mal-om/nv.ertiout