Không chia cổ tức vì dự án Dung Quất 2
Sáng 30/3, ĐHĐCĐ thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 8.000 tỷ đồng.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, ngành thép Việt Nam trong năm 2022 nói riêng cũng như thế giới nói chung đã trải qua chu kỳ khó khăn. Tình hình này đã được dự đoán ở phiên họp thường niên năm 2022 tuy nhiên diễn biến thực tế xấu hơn dự đoán của ban lãnh đạo Hoà Phát.
Theo đó, năm 2022, kết quả của Hoà Phát không tồi nếu so với cả ngành. Tuy nhiên, HĐQT cũng quyết định không chia cổ tức năm 2022 bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.
Lý giải nguyên nhân, ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết nhu cầu về vốn của tập đoàn trong năm 2023 là rất lớn do phải tập trung toàn bộ nguồn lực cho dự án Dung Quất 2 để tăng sản lượng lên 15 triệu tấn thép/năm.
Theo ông Long, tổng đầu tư cho giai đoạn 2 tới thời điểm hiện nay là 75.000 tỷ đồng và sẽ còn đầu tư khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng nữa. “Giai đoạn này không có nhiều dự án trên 3 tỷ USD. Nếu hoàn thành thì hàng năm có doanh thu cả trăm nghìn tỷ đồng từ thép”, ông nói.
Kinh doanh 2 tháng đầu năm vẫn lỗ
Theo HĐQT, năm ngoái trong bối cảnh ngành thép khó khăn, tồn kho cao, chi phí vốn lớn, tỉ giá tăng, Ban điều hành Hòa Phát quyết định giảm sản lượng bằng cách ngừng hoạt động của lò cao, dừng 4 lò và đầu tháng 1 đã chạy lại 1 lò.
Đầu tháng 4 này chạy lò thứ 2, còn 2 lò sẽ chạy tiếp trong quý II/2023. Việc chạy lại dựa trên tình hình thị trường. Thời điểm này tiêu thụ thép đánh giá là chưa tốt, giá nguyên vật liệu vẫn cao và vẫn phải duy trì chính sách tồn kho thành phẩm thấp để giảm thiểu rủi ro khi giá nguyên vật liệu giảm.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, lãnh đạo công ty cho biết 2 tháng đầu năm nay vẫn lỗ nhưng thấp hơn sự kiến còn tháng 3 chưa có số cụ thể, nhưng tốt hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long khẳng định, từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác vì Tập đoàn sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, cho ngành đóng tàu, ô tô, ốc vít, dự lực. Tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.
Trả lời cổ đông về việc Hoà Phát đã nhiều năm nghiên cứu sản xuất thép không gỉ nhưng đã dừng lại gần đây, Ban lãnh đạo cho biết, Hòa Phát nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung hoàn toàn không có lợi thế nếu sản xuất thép không gỉ trên lãnh thổ Việt Nam vì không có mỏ quặng nikel. Trong cùng khu vực, Indonesia có lợi thế về mỏ quặng Nikel, nếu Hòa Phát làm thì sẽ thua.
Dự án Dung Quất 1 mở rộng là hoàn thiện thủ tục hành chính. Trong giai đoạn I đã cấp giấy phép 4 triệu tấn nhưng chưa có kinh nghiệm nên áp dụng thêm thành tựu kỹ thuật, thực tế vận hành sản xuất tăng công suất lên 6 triệu tấn, giờ là hoàn thiện thủ tục hành chính.
Bàn về tình hình quỹ đất bất động sản công nghiệp hiện tại và 5 năm tới, HĐQT cho biết, lĩnh vực khu công nghiệp của Hòa Phát đã hoạt động 20 năm, vận hành 4 khu, đang đăng ký đầu tư thêm 4-6 khu nữa.
Lĩnh vực này không đem lại quá nhiều doanh thu nhưng ổn định, tỉ suất lợi nhuận không tồi. Hòa Phát đã có kinh nghiệm từ trước nên sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4-6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 khu.
Về tầm nhìn với mảng chăn nuôi nông nghiệp, Ban lãnh đạo cho biết, đây là chiến lược lâu dài, không thể thay đổi trong 2-3 năm. Hiện tại, xu hướng đang phổ biến là ngành chăn nuôi lợn, tỉ trọng sản lượng heo của doanh nghiệp làm ra bắt đầu lớn hơn của nông dân. Nên tuỳ từng điều kiện, Hoà Phát sẽ có phát triển hơn với mảng chăn nuôi nông nghiệp.