Đây là nội dung quan trọng tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 01 năm 2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, vừa được Ngân hàng Nhà nước đề xuất.
Tại tờ trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước báo cáo đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ...
Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng thương mại cổ phần, nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
Ngân hàng đánh giá việc chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao tăng vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ và không quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Về điều kiện để sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các tổ chức nước ngoài phải được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định trở lên.
Tổ chức nước ngoài đó phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh. Đồng thời, việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Về tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả tổ chức tín dụng.
TTO - Từ nay tới năm 2020, Chính phủ không cấp phép thành lập các ngân hàng có vốn nước ngoài. Tuy nhiên các ngân hàng của Hàn Quốc có thể xem xét mua lại ngân hàng yếu kém trong nước như Ocean Bank, GPBank, CBank hoặc các công ty tài chính.