Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp hơn 1,5%.
Năm thứ 12 liên tiếp không chia cổ tức tiền mặt
Một nội dung đáng chú ý khác được trình cổ đông là ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất duy trì số tiền này dưới dạng lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Nếu được thông qua phương án này, đây là năm thứ 12 liên tiếp ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Lần trước đó vào năm 2018, ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức với hình thức cổ phiếu, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới.
Về phương án tăng vốn điều lệ năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Phía ngân hàng cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank.
Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.
Rót hơn 1.000 tỷ đồng vào TCBS
Ngoài ra, vào cuối năm 2022, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 8/2022, ĐHĐCĐ của TCBS đã thông qua đợt chào bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo quy định tại Luật chứng khoán, các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất, nên để thực hiện việc chào bán riêng lẻ cho Techcombank, TCBS đã kỳ vọng có thể thay đổi kế hoạch triển khai đợt chào bán cho cán bộ nhân viên.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc thay đổi với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty nhận được phản hồi là đã thụ lý hồ sơ và ghi nhận ngày hoàn thành của đợt chào bán cho cán bộ nhân viên là ngày 18/10/2022.
Do đó, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ của TCBS cho Techcombank sẽ được lùi sang giữa năm 2023, đảm bảo cách tối thiểu 6 tháng sau đợt chào bán cho cán bộ nhân viên công ty chứng khoán này.
Vì vậy, TCBS có kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán riêng lẻ cho Techcombank với số tiền tối đa là 10.242 tỷ đồng, giá mỗi cổ phần là 97.542 đồng. Sau thương vụ này, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng thêm 1.050 tỷ đồng lên hơn 2.176 tỷ đồng.
Techcombank dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS với số tiền nêu trên. Sau đầu tư, tỉ lệ sở hữu của Techcombank tại công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 88,8% lên 94,22%.