Đó là quan điểm chung của các đại biểu tham dự cuộc hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi", tổ chức tại Hà Nội ngày 30-3.
Mới đây, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game online).
Lý do là loại hình kinh doanh game hiện nay thuộc diện mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.
Điều gì đang khiến doanh nghiệp game 'chạy' ra nước ngoài?
Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế của VCCI - cho biết đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game.
"Nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra phải cân nhắc đến nhiều điều.
Bản thân doanh nghiệp game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game ngoại ngay chính thị trường Việt Nam" - ông Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Hòa - phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - cho rằng hiện nay, ngành công nghệ số đang được ưu đãi để thúc đẩy phát triển.
"Đề xuất thuế này đang hạn chế ngành game, không đồng bộ với chính sách của Đảng và Nhà nước và không đồng bộ chính sách phát triển công nghệ cao. Các quốc gia không những không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game, mà còn có chính sách thúc đẩy và ưu đãi cho lĩnh vực này. Vì vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, có nhiều doanh nghiệp game khá thành công nhưng buộc phải chuyển sang nước ngoài chứ không cung cấp tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách.
Ông Nguyễn Xuân Cường - chủ tịch Hội Thể thao điện tử - cho rằng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì người chơi sẽ điều chỉnh hành vi tiêu dùng sang dịch vụ khác tương tự của nước ngoài.
Cần cái nhìn khác về công nghiệp game?
Ông Lã Xuân Thắng - giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG - cùng đại diện nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này đánh giá "Ngành game Việt Nam đang chịu nhiều định kiến xã hội", trong khi "khái niệm game online đang ngày càng thay đổi và sẽ thay đổi rất nhanh, trở thành một ngành mũi nhọn, trụ cột của công nghiệp nội dung số và kinh tế số, đi đầu trong ứng dụng những công nghệ mới".
"Cũng giống phim ảnh, nghệ thuật, game online là một phần của ngành công nghiệp giải trí. Mỹ, Pháp, Trung Quốc không chỉ coi game là một ngành kinh tế mà còn là mũi nhọn để xuất khẩu văn hóa ra bên ngoài. Nhiều quốc gia đi sau đưa ra các chính sách ưu đãi cho game như Singapore, UAE, Jordan, Israel… thu hút doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới về đó sản xuất sản phẩm phục vụ 2,4 tỉ người dùng" -- ông Thắng chia sẻ thông tin.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu câu hỏi "Vì sao chúng ta dị ứng với lĩnh vực này?".
Theo ông Lực, kinh nghiệm các nước phát triển không đánh thuế để hạn chế người chơi game, nghiện game. Thay vào đó, các nước có các chính sách điều tiết hành vi người tiêu dùng.
Ví dụ Singapore đưa ra hướng dẫn, nếu game có đánh bạc thì đánh thuế rất cao. Trung Quốc chưa đánh thuế nhưng có hướng dẫn về cai nghiện game, khống chế thời gian, yêu cầu đăng ký tên thật…
Đồng thời ông Lực cũng kiến nghị Việt Nam cần có hướng dẫn kiểm soát hành vi tiêu dùng, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro về nghiện game, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Game không phép đạt doanh thu xấp xỉ 5.000 tỉ đồng/năm tại thị trường Việt Nam nhưng không phải chịu trách nhiệm gì với người chơi game cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Theo các chuyên gia, cần có các biện pháp mạnh để ngăn chặn game không phép.
Xem thêm: mth.86242436103303202-emag-iov-teib-cad-uht-ueit-euht-hnad-nen-gnohk/nv.ertiout