vĐồng tin tức tài chính 365

Cảnh giác chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng

2023-03-31 07:22

Lừa đảo tài chính được ghi nhận là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỉ lệ hơn 40% ở hầu hết quốc gia trong khu vực. Philippines là quốc gia có tỉ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.

“Việt Nam có tỉ lệ lừa đảo tài chính khoảng 26,36%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ ấn tượng này là nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong bối cảnh các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử ngày càng gia tăng” - ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, chia sẻ.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng

Mới đây, chị LT ở quận Tân Bình, TP.HCM nhận được tin nhắn trên Facebook từ một đồng nghiệp cơ quan với nội dung mượn 5 triệu đồng và hứa sẽ chuyển khoản lại sau vài ngày. Sau một hồi trao đổi, kẻ gian đã cung cấp thêm tài khoản ngân hàng có tên trùng với tài khoản Facebook của nạn nhân.

“Quá kinh khủng, đây là thủ đoạn lừa đảo đỉnh cao. Không biết kẻ gian đã kiếm đâu ra tài khoản ngân hàng có họ tên giống với tên của người bị hack, chỉ khác số tài khoản. May mắn là mọi người đã nhận được cảnh báo từ trước của đồng nghiệp nên không có ai bị mất tiền oan uổng” - chị LT chia sẻ thêm.

Để tạo thêm lòng tin, kẻ gian còn lợi dụng công nghệ Deepfake (giả mạo video) để tạo video giả mạo khuôn mặt, giọng nói của nạn nhân, sau đó thực hiện cuộc gọi trong vài giây và tắt với lý do mạng chập chờn, tín hiệu Internet kém.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng ảnh 1
Chị LT nhận được tin nhắn lừa đảo giả mạo tài khoản ngân hàng. Ảnh: MH

Nếu nạn nhân mắc bẫy và chuyển tiền cho kẻ gian, chúng sẽ nhanh chóng tìm cách rút tiền hoặc chuyển tiếp sang một tài khoản khác. Nạn nhân nếu có truy ra thì cũng chỉ là một tài khoản giống tên nhưng khác chủ.

Theo tìm hiểu của PV, đầu tiên kẻ gian sẽ thu thập thông tin cá nhân công khai của nạn nhân thông qua mạng xã hội hoặc mua dữ liệu từ các bên thứ ba. Sau đó họ sẽ tìm cách hack tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân.

Tiếp theo, kẻ gian sẽ tìm mua tài khoản ngân hàng, làm giả giấy tờ (CMND/CCCD) hoặc thông qua các dịch vụ hỗ trợ để tạo tài khoản ngân hàng có họ tên trùng với tên của nạn nhân.

Khi thử tìm kiếm dịch vụ “mở tài khoản ngân hàng theo tên” trên Facebook hay Telegram, có không ít hội nhóm nhận làm việc này, bạn chỉ cần cung cấp tên, ảnh chụp CMND/CCCD hai mặt và số điện thoại là được đáp ứng ngay.

Cần làm gì để hạn chế bị lừa tiền trên mạng?

Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), kỹ sư tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ TT&TT, cho biết việc mua bán tài khoản ngân hàng theo tên rất dễ với giá chỉ 1-3 triệu đồng (tên ngân hàng gì cũng được).

“Tôi đã thử mua tài khoản tên mình, vẫn xuất hiện, chỉ khác giới tính. Điều này có thể thấy việc giả mạo tên tài khoản ngân hàng rất dễ dàng. Người dùng bình thường sẽ khó phát hiện ra sự khác nhau giữa thông tin ngân hàng thật và thông tin mua bán, chỉ có ngân hàng mới tra soát được” - anh Hiếu chia sẻ.

Anh LA (làm trong ngành công nghệ thông tin) cho biết về cơ bản, hình thức hack hoặc giả mạo tài khoản Facebook, Zalo… để đi mượn tiền bạn bè và những người thân quen vốn chẳng phải là mới. Tuy nhiên, việc kẻ gian làm giả tài khoản ngân hàng có họ tên giống với nạn nhân là khá tinh vi, dễ khiến nhiều người bị sập bẫy. Bên cạnh đó, đa số dịch vụ hỗ trợ tạo tài khoản ngân hàng online đều sử dụng hình thức liên lạc thông qua Telegram (ứng dụng cho phép thu hồi tin nhắn mà không để lại dấu vết). Việc cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về bảo mật, có thể khiến bạn bị làm giả giấy tờ, vay nợ và bị hack tài khoản Facebook trong tương lai.

Cũng theo anh Ngô Minh Hiếu, hiện nay kẻ gian ngày càng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để đánh lừa người dùng, tuy nhiên nếu tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì sẽ hạn chế tối đa việc bị lừa tiền trên mạng.

Cụ thể, nếu nghi ngờ những cuộc gọi vay, mượn tiền của người thân, bạn bè, bạn đọc nên gọi video hoặc FaceTime ít nhất 1 phút, hoặc gọi qua số điện thoại cá nhân của người mượn. Kiểm tra bằng cách hỏi một số câu hỏi để nghe giọng nói đó là của người thật hay do AI tạo ra, thậm chí là gặp mặt trực tiếp.

Bên cạnh đó, người dùng cũng hạn chế nhấp vào các liên kết lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, thông tin tài khoản ngân hàng… dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị mất tiền oan uổng. Đặc biệt, nếu nghi ngờ tài khoản ngân hàng bị xâm phạm, bạn nên khóa tài khoản ngay lập tức và đổi lại mật khẩu.

Trước khi chuyển khoản, nên gọi điện để xác thực thông tin

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết việc tạo tài khoản ngân hàng ảo, mua bán tài khoản trên mạng khá đơn giản, dễ dẫn đến các vụ lừa đảo giả mạo thông tin cá nhân.

Trước khi chuyển khoản, chúng ta nên gọi điện thoại trực tiếp để xác thực mọi thứ. Bạn đọc cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, nhất là việc không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.

TIỂU MINH

Xem thêm: lmth.264627tsop-gnah-nagn-naohk-iat-net-oam-aig-ort-ueihc-caig-hnac/nv.olp

“Cảnh giác chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools