Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 31-3, ông Lê Văn Đức, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong sản xuất lúa hiện nay, nếu chỉ tính giá thành đầu vào thì khoảng 21-22 triệu đồng/ha. Tuy nhiên còn công lao động, vận chuyển, thu hoạch của người dân.
"Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng trong nhiều năm Chính phủ cũng như các địa phương phấn đấu trên dưới 30% lợi nhuận trong sản xuất lúa thì phù hợp. Hằng năm Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có đánh giá về giá thành lúa gạo để có chính sách liên quan" - ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói.
Ông Phùng Đức Tiến cũng cho rằng qua thông tin trên báo về việc người dân trồng lúa lợi nhuận trên 100% là chưa chính xác.
Theo ông Tiến, lợi nhuận trồng lúa khoảng 30% đã là tốt, còn nếu lãi nhiều hơn thì càng tốt.
Trước đó, Bộ Công Thương có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 với thông tin giá gạo xuất khẩu nhiều thời điểm cao, nông dân lãi 100%.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho hay lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Dẫn chứng giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg, song mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.
Sau thông tin này, nhiều doanh nghiệp, người dân trồng lúa và chính quyền địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều cho rằng mức lời này rất khó đạt được, nếu được cả mùa - cả giá thì lợi nhuận chỉ chưa đến 50%.
Mong muốn của ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - là nông dân lời khoảng 47%, sau thông tin nông dân trồng lúa có lợi nhuận 100% từ báo cáo của Bộ Công Thương.