498.000 tỷ đồng tiền thiệt hại, hơn 42.000 bị hại cùng với đó là số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Những sai phạm trong vụ án này diễn ra trong thời gian dài, liên quan nhiều đơn vị và không ít cá nhân liên đới cho thấy những thủ đoạn thao túng của một cá nhân đối với toàn bộ hoạt động của một ngân hàng.
THỦ ĐOẠN THÂU TÓM NGÂN HÀNG SCB
Không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn là cách thức các đối tượng đã thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để lập khống các khoản vay với số tiền cực lớn từ ngân hàng SCB. Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.
Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã thông đồng, cấu kết với công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn.
Trong hơn 10 năm từ 2012 - 2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống gần 1.300 hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho SCB gần 498.000 tỷ đồng, bao gồm lãi suất từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
CHE GIẤU DÒNG TIỀN SAI PHẠM
Với số tiền thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng trong vụ án và số tiền mà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt, câu hỏi đặt ra là các đối tượng đã che giấu hành vi sai phạm, che giấu dòng tiền như thế nào để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng?
Để hợp thức việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, các đối tượng đã lập phương án thực hiện việc "giải quỹ" bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5 trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và bán nợ trả chậm cho chính các công ty "ma" do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB.
TIẾP TAY CHO SAI PHẠM TẠI NGÂN HÀNG SCB
Bán nợ trả chậm cho các công ty ''ma'' trong hệ sinh thái cùng nhiều thủ đoạn khác dù thủ đoạn như thế nào thì vẫn có các con số, có dòng tiền ra vào nhưng vì sao không bị cơ quan thanh tra phát hiện, xử lý. Những sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng thường khó có thể bưng bít nếu như không có sự tiếp tay của chính các cơ quan thanh kiểm tra. Trong vụ án này, 100% các cá nhân trong đoàn thanh tra đều nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ ngân hàng SCB.
Hệ số an toàn, nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ luỹ kế… các chỉ tiêu phản ánh thực trạng tài chính SCB rất yếu, nhiều sai phạm cần phải đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt nhằm ngăn chặn hậu quả lớn hơn xảy ra. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, đoàn thanh tra đã bị mua chuộc nên đã bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.
Để không phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý, che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB, đoàn thanh tra đã điều chỉnh báo cáo làm nhẹ nội dung, tính chất, mức độ các sai phạm tại các dự án, phương án tái cơ cấu theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí đã nhận xét, SCB cơ bản chấp hành chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong quá trình thanh tra tại ngân hàng SCB, các bị can đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu để thực hiện những hành vi sai phạm. Đặc biệt, Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra, đã nhận hơn 5,2 triệu USD. Đây là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.
KÊ BIÊN TÀI SẢN TRONG VỤ VẠN THỊNH PHÁT
Với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, quá trình điều tra, truy tố vụ án này, cơ quan điều tra đã cưỡng chế nhiều tài sản có giá trị đặc biệt lớn của các bị cáo. Những vật chứng này sẽ được tòa án giải quyết trong quá trình xét xử.
Về tiền, trong giai đoạn điều tra và truy tố đã thu giữ 645 tỷ đồng và 15 triệu USD bao gồm tiền liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng một số dự án bất động sản, tiền Trương Mỹ Lan giao cho người khác giữ và tiền gia đình các bị cáo nộp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn phong tỏa của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm 42 tài khoản mở tại các ngân hàng, với tổng số tiền gần 1.900 tỉ đồng và 8,5 triệu USD.
Về bất động sản, cơ quan chức năng đã kê biên gần 1.300 bất động sản liên quan trực tiếp đến Trương Mỹ Lan; kê biên 69 bất động sản liên quan khác.
Về cổ phần, đã kê biên 996 triệu cổ phần SCB của Trương Mỹ Lan, các cá nhân đứng tên hộ Lan và của 5 công ty liên quan. Ngoài ra, 22 tài sản khác cũng bị kê biên là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các công ty đứng tên.
Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB xét xử sơ thẩm từ ngày 5/3, dự kiến kéo dài đến 29/4. Đây mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án, ở giai đoạn tiếp theo, cơ quan công an sẽ tập trung điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!