Theo Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP HCM), thay vì nhìn nhận ở góc độ bị cạnh tranh gay gắt bởi thương mại điện tử, chợ truyền thống có thể chuyển đổi số, tận dụng lợi thế về nguồn hàng và văn hóa đi chợ để bán online.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đưa thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng)", ông Hùng cho biết.
Sở Công Thương đánh giá hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán. Năm ngoái, trong 5 ngày (từ 11 đến 16/12), hơn 100 KOL, người nổi tiếng được Ban quản lý chợ Bến Thành mời đến để livestream bán hàng cùng tiểu thương, tiếp cận 81,6 triệu người, chốt được 18.200 đơn trị giá 4,2 tỷ đồng.
Hay trong tuần cuối tháng 11/2023, "Ngày hội Mua sắm Tết TP HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến" chốt được 17.000 đơn qua hình thức bán livestream.
TP HCM là nơi có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất cả nước, đạt 37% vào 2023. Năm ngoái, nơi đây chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng (tính theo vị trí kho) đạt 4,7 tỷ USD. Cùng đó, người dân TP HCM chi tiền nhiều nhất để mua hàng trên mạng, khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 29%.
Theo Sở Công Thương, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh nhưng cũng còn nhiều vấn đề, như hàng giả, kém chất lượng; lừa đảo trực tuyến; mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, dữ liệu về thương mại điện tử thiếu chi tiết nên cơ quan thuế và quản lý thị trường khó khăn trong xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán. Do đó, Sở Công Thương đưa ra giải pháp xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu về kho hàng, nhà bán, giao dịch và doanh thu để hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Viễn Thông