Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai trình nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác, và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Trước đó, ngày 26-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về hai nội dung này.
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến các đơn vị tham gia, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội về đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trước ngày 10-3.
Đồng thời, gửi hồ sơ trình đến Bộ Tư pháp thẩm định, trình đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội trình Chính phủ thông qua.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ trình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục.
Nội dung đề án phải nêu rõ tình hình, thực trạng vướng mắc cần giải quyết; đề xuất nội dung thí điểm phải xác định rõ phạm vi, quy mô, đối tượng, tiêu chí và thời gian sơ kết, tổng kết đề án.
Mặt khác, Phó Thủ tướng chỉ đạo trước ngày 7-3, UBND các tỉnh, thành phố gửi báo cáo thực trạng, đề xuất cụ thể về giải quyết vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản bày tỏ sự cần thiết phải xây dựng đề án này.
Theo HoREA, việc sử dụng đất để làm dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đã được hình thành trong hệ thống pháp luật đất đai từ Luật Đất đai năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Cơ chế này tồn tại song song cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua không cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với hai trường hợp "đất ở và đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở" để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Do vậy, việc xây dựng đề án đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết 18, trong đó xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Cơ chế này có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất qua nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận. Cùng với đó, bảo đảm sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất và lợi ích công cộng do Nhà nước.
Mặt khác, cơ chế sẽ tạo điều kiện để giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng và giảm đáng kể chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính và hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu khi Nhà nước thu hồi đất.
Hơn nữa, nếu chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở sẽ không thể có quỹ đất ở đủ lớn để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thành sớm đề án tách bồi thường thành dự án độc lập
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng có chỉ đạo đối với đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Theo đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất danh mục dự án có vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cần tách thành dự án độc lập.
Cùng với đó, hoàn thiện hồ sơ trình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung Đề án đề xuất thí điểm chỉ công bố chính sách với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C và giao các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn, đề xuất danh mục dự án đảm bảo kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Quy định chủ đầu tư có loại đất khác (không có đất ở) dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất vẫn không được làm dự án nhà ở đang trở thành "vòng kìm" gây khó cho doanh nghiệp, khiến hàng trăm dự án "đắp chiếu"