Từ kết quả này, TP.HCM muốn nhân rộng cơ chế mới cho các dự án mới như đường vành đai 2, đường vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...
Kiến nghị từ kiểu mẫu đường vành đai 3
Trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai một loạt dự án lớn tiếp theo đường vành đai 3, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP để kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo trình tự thông thường hiện nay, khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt mới có cơ sở để tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các địa phương (UBND huyện) tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Với đường vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng đã cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bãi đổ chất thải rắn trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Nhờ cơ chế này, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường từ 1 - 1,5 năm.
Chỉ sau đúng một năm kể từ thời điểm dự án được quyết định chủ trương đầu tư, địa phương đã tổ chức bàn giao mặt bằng trên 70% để triển khai khởi công công trình, vượt tiến độ so với yêu cầu.
Từ đó, Sở GTVT cho rằng việc giải phóng mặt bằng của dự án đường vành đai 3 đã trở thành mô hình và dự án kiểu mẫu.
Hiện nay TP.HCM đang triển khai các dự án trọng điểm với quy mô lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4, đường vành đai 2 - đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng). Các dự án này với TP.HCM đều là dự án trọng điểm, cấp bách.
"Vì vậy để có cơ sở triển khai các dự án tương tự (đường vành đai 3) trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TP.HCM cần được Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ chế triển khai.
Phạm vi áp dụng là các dự án nhóm A, trong đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tách thành dự án thành phần trong chủ trương đầu tư dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt", Sở GTVT TP.HCM kiến nghị.
Các địa phương cũng mong cơ chế
TP Thủ Đức đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đoạn 1 và 2 đường vành đai 2. Con đường đi qua khu vực dân cư sầm uất nên vấn đề mặt bằng sẽ là thách thức trong bối cảnh dự án có mốc tiến độ khởi công trong năm nay.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết, các bên sẽ phân tích cách nào nhanh nhất để xác định ranh giải phóng mặt bằng.
Ông Quyết cũng mong các dự án tới đây sẽ được áp dụng cơ chế tương tự như đường vành đai 3 theo hướng rút gọn thủ tục, trình tự để triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
"Số lượng, khối lượng hồ sơ giải phóng mặt bằng của dự án đường vành đai 2 được xác định rất lớn (sơ bộ là 935 hồ sơ, trong quá trình thu thập có thể sẽ tăng thêm). Số lượng này cao hơn hẳn so với hồ sơ đường vành đai 3 qua Thủ Đức (chỉ có 585 hồ sơ).
Đồng thời đoạn 1, 2 dự án đường vành đai 2 có đất cần bồi thường là nhà ở rất lớn, pháp lý phức tạp hơn nên rất cần áp dụng cách làm đặc biệt, có thể như đường vành đai 3", ông Quyết nói.
Cũng theo ông Quyết, ngay trong tuần này UBND TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong việc số hóa toàn bộ hồ sơ bồi thường, giúp công tác bồi thường thuận lợi hơn và sau này quyết toán, giải quyết các khiếu nại thuận lợi hơn nhiều.
"Về phê duyệt dự án, TP Thủ Đức đã gửi ý kiến của các sở ngành trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Chúng ta cố gắng xác định ranh bản đồ TP Thủ Đức, khảo sát cơ bản tương đối, cố gắng hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt trước 15-3. Có thể trong tháng 3, chúng ta có tiến độ phê duyệt dự án", ông Quyết cho hay.
Theo ông Quyết, dự án đường vành đai 2 đã có ý tưởng được quy hoạch, bắt đầu triển khai từ năm 2007.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 17 năm thì dự án đoạn 1, 2 mới được triển khai do nguồn kinh phí hạn chế. TP Thủ Đức sẽ quyết tâm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng nhanh chóng, hỗ trợ người dân, phấn đấu khởi công vào cuối năm nay.
Có mặt bằng trước, đường làm nhanh hơn
Vào tháng 4-2023, sau buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thường trực Chính phủ đã kết luận cho phép TP thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) tương tự như cơ chế thực hiện đường vành đai 3 TP.HCM.
Thường trực Chính phủ cũng đã thống nhất chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì khẩn trương hướng dẫn cụ thể để TP.HCM đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy vậy, đến nay TP.HCM chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nói rằng trên thực tế các tuyến cao tốc, đường vành đai, đường ven biển... về mặt quy hoạch chúng ta đã có. Tuy nhiên, khi cân đối được vốn để triển khai thì khó khăn nhất vẫn là mặt bằng.
Giải phóng được mặt bằng chính là yếu tố tiên quyết để có thành công một dự án. Vì vậy, để phát triển nhanh gọn, về đích sớm hơn, việc tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần là rất cần thiết và thẩm quyền này thuộc UBND TP.
Theo ông Thuận, TP.HCM đang có Trung tâm phát triển quỹ đất. "Phải nâng vai trò của trung tâm này để giải quyết vấn đề mặt bằng trước cho các dự án, không riêng dự án trọng điểm mà tất cả các dự án trong trung hạn.
Nếu áp dụng sẽ rất có lợi thế về chống trượt giá, giảm chi phí do tăng giá đất hằng năm. Tiếp đến, có mặt bằng trước khi thi công sẽ tránh chuyện công trường đình trệ, không gây phát sinh chi phí trong quá trình đầu tư.
Đối với các dự án quan trọng có thể giải phóng mặt bằng trước 3-5 năm, thậm chí sớm hơn, tránh trường hợp khi duyệt dự án chỉ khoảng 300 tỉ đồng nhưng khi làm đã tăng tổng mức đầu tư lên 800 tỉ đồng", ông Thuận nêu ý kiến.
Cũng theo ông Thuận, "Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó đã quy định rất rõ thu hồi đất đối với những dự án công cộng, đường sá.
Việc thu hồi đất này theo đơn giá bồi thường thành bốn phương án đã được quy định trong luật. Đó là một trong những điều kiện phát triển dự án trong giai đoạn mới".
Quy mô dự án mới TP.HCM đang triển khai
* Cả hai dự án khép kín đường vành đai 2 đều giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt rộng 67m, xây dựng trước sáu làn xe trên đường song hành hai bên (mỗi bên ba làn) với tổng quy mô 34m; chừa dải đất dự trữ ở giữa 33m tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng trong tương lai.
Trong đó, đoạn 1 dự kiến thu hồi khoảng 47,66ha (764 hộ), chi phí bồi thường mặt bằng hơn 6.675 tỉ đồng. Đoạn 2 dự kiến thu hồi khoảng 13,4ha (171 hộ dân và tổ chức), chi phí bồi thường hơn 1.955 tỉ đồng.
* Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài hơn 50km đi qua TP.HCM và Tây Ninh, với tổng mức đầu tư 19.886 tỉ đồng.
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư 6.900 tỉ đồng (bao gồm dự phòng). Ở giai đoạn 1 sẽ đầu tư bốn làn xe hoàn chỉnh, dự kiến khởi công năm 2025.
* Dự án đường vành đai 4 dài khoảng 206,8km, tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỉ đồng. Dự án đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Giai đoạn 1 các địa phương đầu tư bốn làn xe và hai làn khẩn cấp. Công trình đặt mục tiêu khởi công năm 2025 và hoàn thành quý 1-2028.
Nhiều dự án đội vốn do chậm giải phóng mặt bằng
Trên thực tế, với cách triển khai cũ, nhiều dự án tại TP.HCM thường ách tắc mặt bằng, đình trệ thời gian dài dẫn tới tăng vốn đầu tư. Chẳng hạn:
- Cuối năm 2023, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy).
Tổng mức đầu tư đã tăng từ 1.415 lên 2.075 tỉ đồng (tức tăng hơn 660 tỉ đồng) do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến hệ số điều chỉnh giá đất thay đổi (tăng thêm).
- Dự án mở rộng đường Chu Văn An (từ ngã năm Bình Hòa đến đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh) cũng tăng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng do tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
- Một số công trình khác cũng bị đội vốn vì giải phóng mặt bằng chậm như dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 5), nút giao Mỹ Thủy, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu.
Đường vành đai 3 TP.HCM bứt tốc nhanh vì có mặt bằng sớm
Với vai trò chủ đầu tư, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã rút được rất nhanh thời gian làm công tác giải phóng mặt bằng so với cách làm trước đây.
Cơ sở của việc này được thực hiện trong các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về dự án đường vành đai 3, đây là một cơ chế đặc biệt.
Cách làm sáng tạo và chi tiết
Nói rõ hơn, ông Phúc cho biết đây là lần đầu tiên cơ chế đặc biệt cho phép chuyển trước một số công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở giai đoạn ngay sau khi có chủ trương đầu tư, trước cả khi báo cáo tiền khả thi.
Nếu theo trình tự trước đây, sau khi dự án khả thi được duyệt thì mới có ranh chính thức, rồi đến phê duyệt ranh, cung cấp ranh, cắm mốc để giải phóng mặt bằng.
Từ đó, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư thì thường đến khi duyệt dự án nhanh nhất cũng sáu tháng.
"Với cách mới, chúng ta đã tận dụng sáu tháng đó để làm trước một số công việc như duyệt các nội dung có yếu tố cơ bản của dự án, gần như một báo cáo tiền khả thi mini", ông Phúc nói.
Đơn vị có thẩm quyền sẽ duyệt một ranh của dự án, ranh này sẽ trở thành pháp lý để cung cấp cho các địa phương để cắm mốc, giao ranh, làm cơ sở đo vẽ, thống kê và cách làm này tiết kiệm được ít nhất sáu tháng so với trước đây.
Bên cạnh đó, bình thường việc kiểm đếm, đo vẽ, cập nhật pháp lý là công tác mất rất nhiều thời gian.
Nếu làm trước được thì thời gian xử lý các bước tiếp theo rất nhanh. Do đó khi duyệt dự án báo cáo tiền khả thi thì gần như đã có tất cả các số liệu để phục vụ bước tiếp theo của giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phúc, trong dự án đường vành đai 3, tổ công tác về giải phóng mặt bằng có tham mưu rất sáng tạo, chi tiết.
Đó là rà soát cơ cấu đất trong khối lượng thu hồi giải phóng mặt bằng, sau đó đất nông nghiệp thì theo quy định có thể thu hồi trước, thời gian thực hiện sẽ ngắn hơn. Phần còn lại là đất ở, có thể chia ra làm hai giai đoạn.
Đường vành đai 3 có 90% đất nông nghiệp thì thời gian thu hồi đất nông nghiệp gọi là giai đoạn 1, đến khi khởi công dự án đã có được hơn 70% mặt bằng.
Bài học hỗ trợ người dân
Theo ông Phúc, với đường vành đai 3 TP.HCM, công tác truyền thông, vận động tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của người dân. Khi giao ranh mốc rồi, thậm chí ở một số địa phương xin phép bà con cho cung cấp hồ sơ pháp lý, cho người vào đo vẽ thì gần như 100% bà con ủng hộ.
Việc quan trọng tiếp theo là duyệt giá làm sao hợp lý nhất, tiệm cận được thị trường, tạo được sự đồng thuận lớn của bà con cũng là một yếu tố quyết định.
Thêm vào đó, việc vận dụng chính sách có nhiều sự linh hoạt, sáng tạo như tặng không cho bà con bản vẽ sửa chữa nhà cửa, không thu phí khi làm giấy phép xây dựng (nhiều địa phương cử người giúp bà con).
Đồng thời có những chính sách về chuyển đổi việc làm, công việc đều hỗ trợ người dân sát sao.
TP.HCM cũng đã có chỉ đạo làm điều tra xã hội học trước, trong và sau khi tái định cư để nắm bắt kịp thời, chi tiết từng hộ dân và từng người dân, những yêu cầu trong khả năng cho phép giải quyết tối đa. Đó cũng là cách tạo sự đồng thuận, xử lý kịp thời những vướng mắc.
Vận dụng thêm nghị quyết 98
Ông Phúc cho rằng dự án đường vành đai 3 đã tạo ra được cách làm rất mới và đảm bảo được pháp lý hóa, thông qua nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội.
Bên cạnh đó, hiện nay có thêm nghị quyết 98 áp dụng cơ chế đặc biệt cho TP.HCM cũng là điều kiện để chúng ta vận dụng cho những dự án giao thông trọng điểm.
"Với cách làm này, TP.HCM có cơ sở, điều kiện đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai", ông Phúc nói.
Đồng Nai vừa thống nhất chủ trương tách tiểu dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua huyện Long Thành để đẩy nhanh tiến độ.