Làm sao hạn chế các rủi ro?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119 (năm 2020) về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc thí điểm thành lập Trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại.
Điều này cho phép Đà Nẵng có thể đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư. Đồng thời quá trình vừa triển khai vừa nghiên cứu có thể phần nào hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Theo hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại là một khu vực tài chính riêng biệt nơi mà các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài.
Khu vực này áp dụng các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao nhờ áp dụng những quy định hấp dẫn hơn so với nội địa.
Dự thảo này đánh giá Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, các dịch vụ hỗ trợ về quản lý tài sản, xếp hạng tín nhiệm, tư vấn luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, giáo dục đào tạo....
Đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Mô hình trung tâm tài chính hải ngoại chưa áp dụng ở Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết mô hình trung tâm tài chính hải ngoại (offshore) chưa từng triển khai ở Việt Nam.
Tuy nhiên đây là mô hình mà một số nền kinh tế trên thế giới đã áp dụng trong giai đoạn đầu để hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo đó có một số quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đã là các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tùy theo điều kiện địa lý và lợi thế cũng đã xây dựng mô hình trung tâm tài chính hải ngoại.
Có thể thấy như ở Hồng Kông trước đây thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát cởi mở hơn so với Trung Quốc đại lục. Họ có lợi thế là cửa ngõ để dòng vốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Mô hình trung tâm tài chính hải ngoại nếu được áp dụng được kỳ vọng là nơi "gặp gỡ" giữa dòng chảy tiền tệ, đầu tư tài chính trong và ngoài nước.
"Với nhà đầu tư quốc tế, trung tâm tài chính hải ngoại là nơi họ mang đến dòng vốn lớn nhìn thấy cơ hội hấp dẫn hơn về thuế, các quy định bảo mật cũng như sự bảo đảm về quyền tài sản riêng tư. Nhà đầu tư trong nước khi ở đây cũng có cơ hội khi tranh thủ được dòng vốn nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư quốc tế thì rất lớn, chúng ta cần những trung tâm thế này để có môi trường đúc kết, điều chỉnh cho phù hợp với các thông lệ quốc tế khi mà thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn" – vị này phân tích.
Đoàn lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa có chuyến thăm hai trung tâm tài chính hàng đầu tại UAE trong nỗ lực xúc tiến thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.