Video đá pha gây tranh cãi
Màn đấu pha giữa xe bán tải và BMW gây tranh cãi - Video: Facebook
Nháy đèn pha, hay còn gọi là đá đèn, đá pha vốn là ngôn ngữ của "tài già", như là một cách trao đổi thông tin lịch sự hơn thay cho còi khi lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, ngôn ngữ này không được lưu trữ trong các văn bản hay bài học lái xe chính thức nào, mà chỉ là quy ước ngầm giữa cánh tài xế với nhau.
Tùy vào tình huống, đá đèn có thể là lời nhắc "xe anh đi chậm quá, tôi xin vượt", có khi là để cảnh báo phía trước có vấn đề (với xe đi trước) hoặc là hỏi phía trước có an toàn không (với xe đi sau)...
Bên cạnh đó, "đá pha" đôi khi được sử dụng để cảnh báo "xe anh đang bật pha làm chói mắt tôi, hãy hạ đèn". Nhưng đôi khi cũng có thể biến thành cuộc chiến "đấu pha" nếu các bên không hiểu ý nhau, hoặc một bên nhất quyết không hạ đèn.
Trong video gây tranh luận trên mạng xã hội, tài xế BMW đã bật đèn pha chiếu rọi vào mặt tài xế bán tải đi đối diện - cũng là người quay lại video này thông qua camera hành trình. Người quay video không chịu được nên đã chớp pha mấy lần để cảnh báo.
Tài xế BMW dường như cũng không chịu nổi, chắn đầu xe bán tải và "đá pha" lại. Cuối cùng, xe bán tải đã dí được xe BMW phải lùi lại.
Không rõ video được quay ở đâu, đèn pha chói lòa khiến biển số cũng trở nên khó đọc. Nhưng nghe tiếng nhạc mà xe bán tải đang bật cho thấy dường như tình huống xảy ra ở Trung Quốc.
Ai sai ai đúng?
Video đã gây tranh luận lớn trên mạng xã hội xoay quanh việc tài xế BMW có sai khi bật đèn pha, và tài xế trên xe có camera có đúng khi nháy đèn pha.
Nhiều người cho rằng lỗi của tài xế xe BMW quá rõ ràng.
- Ý thức quá tệ. Người ta nháy không xuống cos thì bị nháy nhiều là đúng.
- Người ta nháy pha để nhắc nhở mà cụp pha xuống lại còn khệnh khạng chắn đường.
- Còn lái sang làn bên thách thức nhưng mà nhầm đối tượng xe cao hơn nên thưởng thức đèn chiếu thẳng mặt.
- Tôi đi gặp mấy người bật pha thì không bao giờ đá pha. Vì có thể gây ức chế cho những xe bên cạnh. Nên tôi cũng bật pha cho rõ đường. Nếu bên kia hiểu thì tắt thôi.
Trong khi đó, một số người có ý kiến khác, cho rằng "đá pha" qua lại như vậy là không thể chấp nhận được.
- Này là không chịu cụp pha xuống khi đã thấy xe đối diện thôi. Chứ đường tối om, không có đèn đường như thế này, nếu là tôi thì cũng bật pha thôi.
- Cũng 49 gặp 50 thôi. Trời tối om thế này, thấy xe ngược chiều chỉ cần nháy pha một lần để người ta lưu ý là có xe ngược chiều hoặc nhắc người ta hạ pha là đủ. Đằng này nháy như lên sàn thì ai mà chịu được. Gặp đúng kẻ cùn thì mình thiệt.
- Nhiều khi người ta không để ý hoặc quên thì bỏ qua cho người ta, vượt qua nhau cũng chỉ chục giây thôi. Gặp trường hợp này tôi chỉ nháy một cái, người ta không biết ý thì thôi.
Đấu đầu rồi gằm ghè nhau, tối tăm thế này ngộ nhỡ trong cơn nóng xảy ra chuyện gì thì sao. Trong khi họ chỉ lướt qua mình trong chục giây, mình cũng chỉ lóa mắt trong chục giây thôi, bỏ được thì bỏ chứ ôm vào người làm gì.
Nhiều khi người ta vô tình để pha thôi, nhắc người ta không nhận ra thì tôi sẽ bỏ qua chứ đấu nhau làm gì cho khổ.
- Có gì hay? Ông kia để pha bình thường, người ta không thèm chấp nữa nên đi, độ tí đèn là tinh tướng. Đèn độ CD cao nháy phát gây mù tạm thời.
Video từ góc độ của xe có camera nên tưởng như đèn bình thường, nếu ở đối diện sẽ biết ngay. Tất nhiên, pha xe BMW chói, nhưng không bằng pha độ của xe này.
Nếu tôi là xe bán tải thì chỉ nháy nhẹ một cái, mà xe kia vẫn không hạ pha thì có thể do họ không để ý thôi. Trong trường hợp xe đối diện chặn đầu thì để cos và tấp gọn lề một chút. Chứ không thể kiểu cậy đèn độ rọi vào mặt người khác như vậy.
Tuy nhiên, những bình luận như thế này cũng bị phản bác lại.
- Tôi đi đường thấy chói nên đá pha, thấy xe đối diện đá lại chói hơn là biết cos cao rồi. Nên thôi không đá nữa, đây còn cố mò sang đối diện chặn đầu xe người ta thế kia.
- Trong video, tôi thấy từ xa mặt cắt đèn xe bán tải còn chưa tới xe sedan, trong khi đèn xe sedan thì chói lòa. Lại còn thái độ chặn đầu xe thì ai mới là người tinh tướng đây.
- Tôi ngồi xe đi đêm ở Nhật, tài xế dù rất buồn ngủ, thấy xe đối diện xa xa là đã cụp pha rồi, chưa cần chờ người ta đá lại.
Đèn pha ô tô là trang bị an toàn cho chủ xe, nhưng có thể với người khác là rủi ro.