Thiết bị thu và lưu trữ điện "made by sinh viên"
Sau bốn tháng nghiên cứu, nhóm sinh viên đã chế tạo thành công thiết bị có tên gọi The VibraEnergy với trọng lượng khoảng 3kg.
Nhóm sáng chế gồm các sinh viên: Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Ngọc Đính, Nguyễn Thanh Tuấn, Lý Văn Khánh, Biện Thị Mỹ Xuyên (sinh viên năm 2 và năm 3 của khoa công nghệ điện tử).
Nguyễn Thanh Tuấn (sinh viên ngành kỹ thuật máy tính, khoa công nghệ điện tử) cho biết sản phẩm có hai bộ phận chính.
Một bộ phận có thể lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Bộ phận thứ 2 là thiết bị thu năng lượng từ bước chân người, có thể đặt ở nơi nhiều người qua lại. Sản phẩm sẽ thu và dự trữ để cung cấp điện cho người sử dụng.
Bộ phận này trang bị bảng điện tử để hiển thị lượng điện thu được khi có người đi qua và lượng điện đã tích lũy. Năng lượng thu được có thể dùng sạc điện thoại hay các thiết bị di động ở nơi công cộng, thắp sáng đèn, biển quảng cáo và tận dụng trong nhà dân mỗi khi cúp điện.
"Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, trong khi việc tạo ra năng lượng hiện nay phần lớn gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chúng tôi nảy ý tưởng nghiên cứu thiết bị tận dụng nguyên liệu sẵn có và không gây hại cho môi trường", Tuấn nói thêm.
Phù hợp không gian trường học
Sinh viên Lê Huỳnh Đức (ngành IoT và trí tuệ nhân tạo, khoa công nghệ điện tử) chia sẻ: "Chúng tôi chế tạo ra sản phẩm nhẹ, linh hoạt, có thể vận hành và tích nguồn điện ở những nơi ít người vì có tích hợp thêm năng lượng mặt trời. Trong tương lai nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm có thể tạo ra nguồn điện lớn hơn".
Hiện tại lượng điện dự trữ tối đa của sản phẩm là 11.000 mAh, có thể thu khoảng 1.000 - 2.500 bước chân. Nếu bán ra thị trường, sản phẩm có giá 700.000 - 800.000 đồng.
TS Nguyễn Duy Khanh - giảng viên khoa công nghệ điện tử, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - nhận định sản phẩm phù hợp trong không gian trường học vì có hàng ngàn sinh viên đi qua lại.
"Sản phẩm này sử dụng piezoelectric để thu thập năng lượng từ bước chân, có cả năng lượng mặt trời. Cứ mỗi bước chân tạo ra năng lượng nhất định có thể sử dụng cho sạc và đèn.
Để ra đề tài này, các bạn đã tìm hiểu nhiều công trình nghiên cứu khoa học trước đây của thế giới, từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp nhất", TS Nguyễn Duy Khanh chia sẻ.
TS Khanh cũng cho biết thiết bị cần phải có bộ chống nước và độ bền cơ học. Để có thể thương mại hóa, sản phẩm cần giảm giá thành và cải tiến chuyên dụng hơn.
TT - Nhiều SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã có những sáng chế hữu ích. Họ dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình có được từ việc cắt giảm chi tiêu, làm thêm... để lao vào nghiên cứu khoa học, và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.