Kinh doanh bất động sản khởi sắc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 vừa được Cục thống kê TP.HCM công bố cho thấy tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP có những tín hiệu phục hồi từ sau khi Chính phủ ban hành các chính sách để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản từ đầu năm ngoái.
Thời gian qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã chung tay phối hợp thực hiện nhiều chính sách thanh toán, ưu đãi cho khách hàng. Nhờ vậy, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.300 tỉ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% trong nhóm doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác.
Tại báo cáo về thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM quý 4 và cả năm 2023, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết hoạt động kinh doanh bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục, quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước.
Cụ thể, cả năm 2023 tăng trưởng âm (gần 6,4%) so với cùng kỳ. Còn 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm hơn 8,7%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm gần 11,58%, quý 1-2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.
Tỉ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh bất động sản cho tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM năm 2023 ở mức 3,6% (năm 2022 3,7%, năm 2021 3,6%).
Doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cả năm 2023 đạt 230.109 tỉ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn có sức hút đáng kể với vốn đầu tư nước ngoài và có sự thay đổi lớn về cơ cấu đầu tư, vốn đầu tư cho dự án mới hoặc điều chỉnh vốn cho dự án đang thực hiện chiếm tỉ trọng thấp so với hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Cụ thể, đầu tư nước ngoài lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản cả năm 2023 thu hút 873 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 230 triệu USD, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 104 triệu USD, góp vốn, mua cổ phần đạt 538 triệu USD.
1,37 tỉ USD đổ vào bất động sản
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm cả nước có 552 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới và 248 thành lập.
Số vốn đăng ký cấp mới cả nước có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỉ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỉ USD, chiếm 38%.
Khảo sát vừa công bố của CBRE cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng đối với lĩnh vực bất động sản, chỉ xếp sau Ấn Độ.
Theo CBRE, thị trường Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.
Bộ Xây dựng cho biết, năm 2024 bộ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, tiếp tục rà soát khó khăn của các dự án khác và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai để sớm triển khai các dự án mới.
Dù bỏ ra khoản tiền lớn để hợp tác đầu tư dự án nhà ở Tân Nhã Vinh tại TP.HCM nhưng nhiều nhà đầu tư có nguy cơ bị thu hồi các lô đất đã góp vốn, phải kêu cứu tập thể.