Chuyến bay nằm trong khuôn khổ chương trình trải nghiệm máy bay do Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) - đơn vị phát triển và sản xuất dòng máy bay trên - tổ chức tại các nước Đông Nam Á.
Tham dự chuyến bay có đại diện hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam. Các hành khách đã được trải nghiệm máy bay ARJ21 trên chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng.
Chị Dương Bội Linh (chủ kênh TikTok Hiển Khí Dương Dương) cho biết rất ấn tượng bởi ARJ21 có kích thước khá nhỏ nhưng chỗ ngồi lại rộng rãi và thoải mái. Máy bay vận hành êm.
Rất hào hứng khi được trải nghiệm dòng máy bay dân dụng đầu tiên do chính Trung Quốc sản xuất, anh Nguyễn Hà Minh Hoàng (TP.HCM) chia sẻ: "Mình thấy khá ấn tượng vì ghế ngồi rộng rãi dù máy bay chỉ khai thác chặng trung và ngắn. Hệ thống điều hòa, đèn đọc sách và nút gọi tiếp viên tuy có thiết kế lạ nhưng vẫn thân thiện với người dùng".
ARJ21 là một trong hai máy bay dân dụng do COMAC sản xuất và được đưa vào khai thác thương mại, bên cạnh máy bay thân hẹp C919.
Trong đó, ARJ21 bắt đầu phục vụ thương mại từ tháng 6-2016. Dòng máy bay này có sức chứa 78 - 97 hành khách, tầm bay khoảng 2.225 - 3.700km và được sử dụng chủ yếu cho các chặng bay ngắn.
Đến nay, dòng ARJ21 đã bán được 127 chiếc và vận chuyển thành công 11 triệu hành khách. Hầu hết đơn vị sử dụng ARJ21 đều là các hãng hàng không Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á hiện có hãng TransNusa của Indonesia sử dụng dòng máy bay này trên 4 chặng bay nội địa.
Ngày 26-2, chiếc ARJ21 và C919 của hãng COMAC hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), bắt đầu hai tuần liên tục hai dòng máy bay này được mang đi chào hàng tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.
COMAC cho biết chuyến đi nhằm kiểm tra khả năng tương thích của C919 với các sân bay và lộ trình bay của các nước Đông Nam Á.
Tin tức đáng chú ý: Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc (COMAC) sẽ tổ chức hoạt động trưng bày cặp máy bay C919 và ARJ21 ngày 2-3 tại Tân Sơn Nhất; Số trẻ được sinh ra đủ ngày tháng có dị tật ngày càng ít...