Còn mẹ chị Hồng thông báo tin buồn trong nước mắt: "Cha tìm con mãi không được đã mất rồi".
Nỗi đau và tình người trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Chị Hồng - nhân vật trong Như chưa hề có cuộc chia ly - hiện là thợ may, sống cùng chồng và hai người con ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Hai vợ chồng chăm chỉ làm việc để có tiền lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn, không khổ như cuộc đời của mẹ nó.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 174
Chị Hồng nhờ Như chưa hề có cuộc chia ly tìm lại gia đình, nhưng thật sự trong thâm tâm chị không có niềm tin. Những ký ức về gia đình của chị quá ít ỏi. Chị chỉ nhớ mang máng tên mình là Hồng, mẹ tên Năm, còn anh chị em không nhớ tên ai.
Trong suốt buổi trò chuyện với nhà báo Thu Uyên về cuộc đời mình, chị lặng lẽ lau những giọt nước mắt. Ký ức buồn tủi khổ đau của một cô bé mới chỉ 4, 5 tuổi bỗng dưng bơ vơ giữa dòng đời suốt 41 năm trời được xâu chuỗi qua 5 địa danh trên tấm bản đồ trong chương trình.
Câu chuyện bắt đầu từ bến xe Miền Tây đông đúc của những năm 1981.
Chị Hồng là con gái thứ trong năm chị em của ông Lâm và bà Lái. Tháng 12-1981, ông bà và các con đi xe đò lên tới bến xe Miền Tây ngồi chờ chặng xe tiếp. Ông Lâm trông con và đồ đạc, còn bà Lái dẫn con gái lớn đi vào chợ bên cạnh bến xe.
Hồng chạy theo mẹ mà không ai hay biết. Đến khi phát hiện, họ hớt hải chạy đi tìm khắp nơi mà không thấy.
Trong lúc chạy theo mẹ, chị gặp tai nạn. Sau đó được đưa đến đồn công an.
"Chị Hồng may mắn gặp được người tốt khi lưu lạc", khán giả xem chương trình bày tỏ.
Người tốt đầu tiên mà chị gặp đó là chú công an ở quận 6. Trong suốt hai tuần liền, buổi sáng chú công an chở chị đến đồn, chờ xem có gia đình đến đón không. Tối, chị về nhà chú công an ăn uống, nghỉ ngơi.
Sau đó chị được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Thị Nghè, được các sơ chăm sóc tận tình. Sau ba năm sống tại đây, nỗi buồn của chị dần nguôi ngoai.
Rồi các sơ gửi chị sang Trung tâm Chăm sóc trẻ mồ côi cơ nhỡ Tam Bình ở Bình Dương để có điều kiện học văn hóa.
Rồi chị đi làm. Cuộc sống trôi qua bình lặng, nhưng nỗi nhớ về gia đình vẫn không nguôi ngoai.
"Bà mà khóc, nói nhiều nữa là tôi nhảy xuống xe"
Khi gặp lại mẹ và các anh chị, Hồng đã hỏi mẹ trong nước mắt: "Sao lúc đi lạc mẹ không vô công an mẹ hỏi? Phường công an ngay đó mà. Con ở đó nửa tháng".
Bà Lái chỉ biết phân trần rằng bố cả ngày đi tìm con, nhưng hỏi ai cũng lắc đầu không biết. Rồi nỗi sợ các con khác cũng bị lạc, bắt cóc, bà và chồng quyết định đi chuyến xe cuối cùng trong ngày đến Bình Dương.
Cuộc đời lắm oái oăm. Trong lúc bà và chồng đi tìm con ở khu bến xe An Lạc, Bình Chánh, đến cả đồn công an để hỏi thì Hồng lại đi hướng ngược lại. Đó là lý do vì sao họ không thể gặp nhau.
Bà kể giọng buồn: "Khi thấy tôi khóc, nói hoài, ổng đã nói: "Bà mà khóc, nói nhiều nữa thì tôi nhảy tôi chết ở đây cho bà coi", nghe vậy là thôi tôi không dám khóc, không dám đày hảy ông ấy một câu".
Cuộc sống bộn bề khó khăn ở mảnh đất xa lạ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ không thể đi tìm con.
Cứ đi đến đâu, gặp công an nào bà Lái cũng trình bày hoàn cảnh nhờ giúp đỡ. Đi nhà thờ thì nhờ các cha thông báo... Nhưng tất cả đều bặt âm vô tín.
Bà Lái tâm sự: "Đêm ngày tôi thầm nhớ con. Lâu lâu cũng nhắc nó. Còn nhắc nhiều thì cũng không dám. Khi lạc mất con, người ta đồn nói nghe cũng sợ. Người ta bảo rằng con bị bắt đi ăn mày, ăn xin".
Ông Lâm - chồng bà, trong vai trò người đàn ông trụ cột gia đình - đã nuốt những giọt nước mắt vào trong mới đủ sức làm tiếp trách nhiệm của mình.
Ông mất năm 2014. Trước khi mất hai năm, nghe theo lời ông thầy bảo chị Hồng còn sống ở Trại trẻ SOS Gò Vấp, ông cùng bà còn ngồi sau xe con rể, lên làng SOS Gò Vấp tìm. Nhưng kết quả thất bại.
Bà đau buồn gửi gắm lời xin lỗi chị Hồng thay chồng: "Mẹ cũng nói thay cho bố. Con phải xa cha xa mẹ cũng đã 41 năm. Bây giờ con có hiểu biết thì con cũng hiểu cho cha. Cha chết cũng 10 năm rồi. Nếu mà bây giờ cha còn sống chắc ổng cũng mừng hết biết".
Tháng 2-2024
6 cuộc tìm ra.
799 đầu thông tin mới được xử lý.
64 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.
Người thất lạc quanh ta
Phần cuối tập 174 Như chưa hề có cuộc chia ly chia sẻ câu chuyện của chú Mai Văn Được - người đã gặp chị Hồng trong một nhân duyên cùng đi tìm người thân thông qua một kênh mạng.
Sau khi thử ADN kết quả không phải ruột thịt, nhưng cô chú và chị Hồng vẫn nhận nhau như là cha mẹ và con gái.
Chú Được kể: "Vợ chồng tôi có ba con gái, Ngọc Dung, Ngọc Ven và Ngọc Hà. Buổi sáng hôm đó khoảng 10h ngày 24-12-1974, Mai Ngọc Dung và Mai Ngọc Ven đi ra quán mua đồ nên không để ý Mai Ngọc Hà chạy theo sau lưng.
Đến khi mọi người trong gia đình không thấy đi tìm, khi đó có người mách đã nhìn thấy một người phụ nữ tầm 40 tuổi bồng bé đi".
Biết được câu chuyện này, người xem thương cảm động viên: "Chú gắng đợi con gái nhé chú. Chúc chú thật nhiều sức khỏe, niềm tin, rồi sẽ có ngày đoàn tụ. Cùng tin là vậy! Cùng tin chú nhé", "Thương ông Được, mong ông tìm được con".
Người cha Hàn Quốc 93 tuổi giơ tay run run sờ màn hình máy tính như sờ vào người con trai bị thất lạc. Ở một nơi xa là nước Mỹ, người con trai cũng đưa tay ra. Để có cái chạm tay online trong Như chưa hề có cuộc chia ly, họ đã chờ đợi hơn 50 năm.