Ngày 2-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Theo đánh giá của Thủ tướng, kết quả đạt được hai tháng đầu năm có xu hướng tích cực, tốt hơn so với năm 2023.
Nhiều chỉ số tích cực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin nhiều chỉ số tích cực như kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng tương ứng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỉ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký hai tháng đạt gần 4,3 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỉ USD, tăng 55,2%). Trong đó đầu tư vào ngành chế biến - chế tạo đạt 2,54 tỉ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8%.
Ông Dũng đánh giá các chỉ số này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để khai thác tối đa thời cơ, thu hút các lĩnh vực mới và ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới.
Thêm nữa, cùng với nông nghiệp khởi sắc thì chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, số lượng đơn hàng mới tăng trở lại, cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp thời gian tới.
Tuy vậy, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thị trường bất động sản đã tích cực nhưng một số bất cập, vướng mắc kéo dài nhiều năm, nhất là về pháp lý, của một số doanh nghiệp và dự án bất động sản vẫn chậm được xử lý...
Tập trung gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp
Nhìn nhận các khó khăn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".
Nhiệm vụ trọng tâm là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách khác. Bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay, sớm trình sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng.
Đồng thời cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Bao gồm các động lực truyền thống là hoạt động đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng. Các động lực mới là hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sáu vùng kinh tế - xã hội, tranh thủ cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh, năng lượng mới, phát triển các trung tâm tài chính...
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Doanh nghiệp mong khơi thông dòng vốn
Trả lời Tuổi Trẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ về tăng trưởng tín dụng thấp trong khi thanh khoản dồi dào, ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay có nguyên nhân do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, tháng 12-2023 tăng trưởng mạnh với 4,35%, trong khi tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu vay vốn giảm.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế trong nước cũng khó khăn, ảnh hưởng cầu tín dụng của doanh nghiệp.
Do đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn... "Thanh khoản rất dồi dào và ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế", ông Hà khẳng định.
Ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho hay một tỉ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, còn các khoản vay trung và dài hạn tiếp cận còn hạn chế.
Hiện một số công ty đang vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 8 - 10%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản với lãi suất thị trường, chưa dễ tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Do đó, ông mong muốn được tiếp cận các gói vay vốn với lãi suất thấp hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới. Đồng thời, ngân hàng cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn.
Tình hình kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với quan điểm thúc đẩy ba động lực tăng trưởng gồm: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu của Chính phủ, kỳ vọng quý 2 kinh tế sẽ khởi sắc hơn.