Vào ngày 3/3, thân nhân của các hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất một cách bí ẩn 10 năm trước đã tiếp tục thúc đẩy một cuộc tìm kiếm mới, khi họ nói về nỗi đau dai dẳng suốt cả thập kỷ qua và cuộc đấu tranh để tự tìm ra lối thoát.
Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370, chiếc máy bay Boeing 777 chở 239 người đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay, bất chấp cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử hàng không, chiếc máy bay vẫn chưa bao giờ được tìm thấy.
Khoảng 500 người thân và những người ủng hộ họ đã tập trung vào ngày 3/3 tại một trung tâm mua sắm gần thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia để tổ chức "ngày tưởng nhớ", Và nhiều người trong số đó, may mắn đã vượt qua nỗi đau mất người thân của họ.
Những người tham gia "ngày tưởng nhớ" có một số là đến từ Trung Quốc, nơi gần 2/3 số hành khách trên chiếc máy bay gặp nạn đều đến đó.
Bà Grace Nathan, một luật sư người Malaysia (36 tuổi) có người mẹ đã gặp nạn trên chuyến bay, nói với AFP: "10 năm qua như một chuyến tàu lượn cảm xúc lên xuống không ngừng nghỉ đối với tôi".
Phát biểu trước đám đông, cô kêu gọi chính phủ Malaysia tiến hành một cuộc tìm kiếm mới và nói: “MH370 không phải là lịch sử".
Bà Liu Shuang Fong (67 tuổi) đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã mất đứa con trai 28 tuổi - Li Yan Lin trên chuyến bay định mệnh. Bà đã bay tới Malaysia để tham dự sự kiện lần này và cho biết: "Tôi yêu cầu công lý cho con trai tôi. Máy bay ở đâu? Việc tìm kiếm phải được tiếp tục".
Cuộc tìm kiếm kéo dài gần 3 năm trên diện tích 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương, nhưng hầu như không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay mà chỉ nhặt được một số mảnh vỡ.
Hoạt động tìm kiếm do Australia dẫn đầu đã bị đình chỉ vào tháng 1/2017. Đến năm 2018, một công ty thăm dò của Mỹ đã phát động cuộc săn lùng riêng MH370 nhưng cũng đành kết thúc sau nhiều tháng lùng sục dưới đáy biển mà không thành công.