Trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 diễn ra ngày 3-3 tại Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết vài ngày tới, bộ sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024.
Theo bà Thủy, quy chế mới chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Đối với thí sinh, điều quan tâm nhất là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Tháng 4-2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển đại học. Lúc đó thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp vừa biết kết quả xét tuyển sớm do các trường đại học công bố.
"Các em cần lưu ý dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên.
Việc đăng ký xét tuyển năm nay hầu như không có thay đổi gì so với năm ngoái, được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong thời hạn Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sau đó lại muốn trúng tuyển nguyện vọng 5 thì không thể thay đổi được nữa", bà Thủy nói.
Một phụ huynh thắc mắc: "Kỳ thi đánh giá năng lực năm sau sẽ thế nào khi học sinh học tổ hợp môn khác nhau, có tổ hợp học có tổ hợp không học. Vậy thi có khác năm nay? Năm ngoái thi đánh giá năng lực nhưng không đăng ký chọn nguyện vọng vào trường nào, năm nay có được phép sử dụng kết quả thi đó xét tuyển vào trường nào không?".
ThS Phùng Quán, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết đối với kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 chắc chắn sẽ khác năm nay. Năm nay thí sinh sẽ thi 120 câu trong vòng 150 phút.
"Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 2025 vẫn gồm ba phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và giải quyết vấn đề. Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề. Thí sinh sẽ được lựa chọn thực hiện ba trong số sáu nhóm vấn đề trong quá trình làm bài", ông Quán cho hay.
Trả lời thắc mắc của một phụ huynh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế về dự báo trong 5 năm tới ngành nào có cơ hội việc làm lớn nhất, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết hầu hết học sinh, phụ huynh đều muốn chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thế giới hiện nay rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất. Đặc biệt, trong thời công nghệ bùng nổ hiện nay đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cơ quan quản lý rất nhiều.
Xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực. Cho nên những ngành nghề nào có kiến thức cộng hưởng về kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người sở hữu tấm bằng đại học tương lai.
"Hiện nay, xu hướng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống. Đừng xem học đại học như là học nghề. Ở trường đại học, cái mà sinh viên thụ hưởng đó là sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân để tấm bằng đại học của mình không cũ kỹ, lạc hậu, dù nền kinh tế phát triển thế nào", ông Bảo nói.
Phụ huynh nên lắng nghe con
Tại buổi tư vấn, rất nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trong việc định hướng chọn ngành, chọn trường cho con. Không ít phụ huynh cho hay đã có nhiều mâu thuẫn với con khi con tự đưa ra quyết định chọn ngành.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phụ huynh nên lắng nghe các con để định hướng chọn ngành nghề.
Phụ huynh không nên áp đặt trong hướng nghiệp cho con. Một số phụ huynh thương con, mong muốn con học tập sau này có việc làm tốt, thu nhập cao, trong khi con lại muốn chọn ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều, ít tiền nên phụ huynh không chấp nhận. Như vậy rất không ổn.
"Thực tế khi các em có hứng thú thì mới học và thành công được. Cho dù phụ huynh ép buộc các em cũng không học được. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều em vào giảng đường đại học phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và không đúng đam mê", ông Hạ nói.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhấn mạnh như vậy tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 đang diễn ra tại Trường đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM.