Không tiền cũng hổng sợ khát
Mặc nắng mưa, miễn tinh mắt một xíu là dễ dàng bắt gặp thùng trà đá, bình nước lọc gắn chữ miễn phí, mời uống khắp nơi. Nhiều nhất là ở các tuyến đường quận trung tâm, như đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) dài có hơn 4 cây số mà có tới 3 - 4 bình nước miễn phí.
Nghĩa tình thân thương len lỏi tới tận các nơi xa hơn. Như ở TP Thủ Đức, tại những tuyến đường Lê Văn Việt, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Bá... lác đác những kệ nước miễn phí, dù không to tát gì nhưng đã góp phần nho nhỏ giúp mát lòng người đi đường.
Những bình nước được người dân tinh ý đặt sát lề ở những cung đường thoáng, có nhiều bóng cây xanh và kèm theo ly nhựa, có nơi còn dễ thương tới mức treo bọc ly giấy sử dụng một lần để đảm bảo vệ sinh.
Đâu chỉ riêng cá nhân ai, có những quán ăn, cây xăng hay cả tiệm cà phê bán đủ loại nước giải khát cũng để bình nước miễn phí trước quán phục vụ bà con không tiện ghé vào quán. Rồi nhân viên quán cứ thế thay phiên nhau châm cho bình nước không bao giờ vơi hết.
Bộ người ta rảnh rang lắm hay sao mà tặng nước miễn phí nhiều dữ ta? Hổng ai khoe công gì hết, những con người dễ mến cứ âm thầm châm nước mỗi ngày. Trên bình chỉ có những dòng chữ nghĩa tình nhẹ nhàng: "Nước uống miễn phí", "Nước miễn phí. Xin mời bà con!", "Trà đá miễn phí". Hay đơn giản chỉ là bình nước đầy ắp, không dán dòng chữ nào, đặt ngay ngắn sát đường để người qua lại có thể dừng bước uống dịu cơn khát giữa ngày nóng.
"Càng nhiều người uống là tui càng vui"
Tìm gặp chủ nhân thầm lặng của các bình nước, đa số nhẹ nhàng nói đó chỉ là chút nhỏ bé, hổng có gì để kể về mình. Cũng chẳng cần được ghi nhớ gì cả, họ chỉ muốn lặng lẽ góp một chút phần nhỏ xíu để làm đẹp, làm mát dịu thêm cho thành phố dễ thương của mình.
Một số người chỉ mới làm việc này được đâu đó vài năm, nhưng cũng có những người như bà Nguyễn Thị Mai Thanh (55 tuổi) đã đều đặn giữ đầy bình nước miễn phí hơn chục năm qua. Bà Thanh có một quán nước nhỏ trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), ấy vậy mà ngày nào bà cũng bỏ tiền túi phục vụ miễn phí cho bà con.
"Nhiều người hỏi tui đem bình nước ra đặt đó rồi ai mua nước nữa? Tui nói thiệt là ai có tiền thì vào mua ủng hộ. Còn không sẵn tiền thì cứ thoải mái uống miễn phí", bà Thanh vui vẻ cười nói.
Quán bà Thanh mở bán từ 5h sáng, thủ sẵn 2 - 3 bình nước lớn thật đầy, quán vừa dọn xong thì bình nước miễn phí cũng được bà "bật đèn xanh" sẵn sàng phục vụ. Bà Thanh tự hào khoe bình nước của mình thuộc dạng "đắt khách hổng tiền" nhất khu này. "Sáng sớm vừa đặt bình nước ra là có mấy người bán rau, đẩy xe đồ ăn sáng ghé châm một chai mang theo. Trưa thì nhiều nhất là mấy anh tài xế xe Grab, giao hàng ghé uống", bà Thanh kể.
Nếu là mùa nắng, mỗi ngày bà Thanh phải thay vài bình nước, những ngày mưa thì ít hơn. Bà tâm sự: "Hôm nào dọn hàng về mà thấy bình nước chưa hết là tui có cảm giác buồn buồn, càng nhiều người uống là tui càng vui. Người ta đi ngang lấy nước khiến tui thấy mình cũng làm được một việc nhỏ bé có ích cho đời".
Hơn 10 năm phục vụ nước miễn phí, bà Thanh chưa từng ngỏ lời nhờ ai góp tiền giúp mình. Chỉ có mấy anh chị làm văn phòng kế bên qua uống nước thỉnh thoảng biếu bà đôi ba chục để đổi bình mới. Hay anh bảo vệ dễ thương không góp tiền nhưng ngày nào cũng qua giúp bà khiêng bình nước 20 lít ra đặt ngay ngắn trước vỉa hè.
Sống ở vùng đất như "hợp chủng quốc", được nó che chở mần ăn nên nhiều người cũng mở lòng trao đi. Giống như trường hợp của chị Phùng Thị Kim Liên (35 tuổi) chủ quán cà phê trên đường Lê Bình (quận Tân Bình), dù bận bịu vẫn đều đặn châm nước, thay đá cho bình nước mát lạnh đặt trước quán mình.
Chị Liên tâm sự đã làm bình nước miễn phí này được hơn năm năm, hỏi lý do thì chị chỉ đáp gọn là muốn trả ơn cho thành phố đã dung chứa hai đời gia đình mình. "Đi đường thấy nhiều bình nước miễn phí của người ta làm nên mình cũng bắt chước, mong là phần nào giúp ích cho bà con", chị Liên trải lòng.
Đúng 6h sáng mỗi ngày khi xe đá tới giao, chị châm nước vào bình, sau đó mang ra đặt ở lề đường, phía trước cửa tiệm. Khoảng 3 - 4 tiếng, chị lại châm thêm nước và đá vào bình. Cậu con trai học lớp 7 cũng thay đá, rửa bình phụ mẹ mỗi khi đi học về.
Giống với bà Thanh, chị Liên cũng quan niệm rằng mọi người đi ngang có khát thì cứ uống nước ở bình nước miễn phí để tiết kiệm, không cần vào quán chị vẫn cảm thấy vui.
Giữa trưa nắng chang chang, tôi tiếp tục thấy cảnh mấy anh Grab xếp hàng chờ đến lượt lấy nước ở thùng trà đá miễn phí đặt trước một cửa hàng xăng dầu trên đường Thành Thái (quận 10). Thùng trà đá này của chị Lê Thị Chuyên, 44 tuổi. Nhà ở quận Bình Thạnh, hằng ngày trước khi đến cửa hàng, chị pha sẵn trà vào chai 1,5 lít. Rồi đến nơi chị mua đá, pha thêm nước lọc và đặt thùng nước dưới gốc cây trước cửa hàng.
Ngày nào chị bận không tới được sẽ gửi người mang trà tới, rồi gọi nhân viên của mình thay phiên châm nước, thêm đá để phục vụ bà con. "Tôi hiểu cảm giác trưa nắng mà có ly trà đá uống là sướng lắm", chị Chuyên vui vẻ kể.
Tiết kiệm, tiện lợi cho người lao động nghèo
Thùng trà đá của chị Chuyên cũng là nơi mà ông Bùi Thanh Trí (46 tuổi), tài xế xe ôm công nghệ thường xuyên ghé lấy nước trong những ngày rong ruổi mưu sinh. Nhà ở TP Thủ Đức, sáng đi làm vợ ông Trí đã đong sẵn một bình nước nửa lít. Để tiết kiệm tiền, ông thường ghé những điểm có bình nước miễn phí để châm thêm.
"Đi nhong nhong giữa trời này mà có bình trà đá mát lạnh uống là đỡ mệt liền, mỗi lần ghé đây tôi uống một hơi rồi châm thêm vào bình mang theo", ông Trí nói. Hỏi thì ông Trí không biết chủ nhân bình nước này là ai, nhưng ánh mắt ông thể hiện sự trân trọng. Nhờ có những việc nhỏ xíu đó mà những lao động nghèo như ông Trí tiết kiệm được vài chục ngàn uống nước mỗi ngày.
Ông Nguyễn Thành Đông (48 tuổi), người đã gắn bó với công việc chạy xe ôm truyền thống, rồi sau này chuyển sang xe ôm công nghệ suốt 12 năm qua còn chẳng cần phải mang theo nước khi đi làm. Ông nói vui rằng uống nước miễn phí còn nhiều hơn nước nhà...
***********
Thấy nhiều nhà ê hề thức ăn, bánh kẹo trong khi nhiều gia đình, trẻ em lại không có. Thế là họ quyên góp và trao đi...
Kỳ tới: Gian hàng 0 đồng và những gói bánh, viên kẹo trao đi
Sài Gòn - TP.HCM hay được gọi vui là "hợp chủng quốc" bởi luôn mở rộng vòng tay với người muôn phương và trao cơ hội cho người có ý chí làm giàu, tạo công ăn việc làm cho kẻ khó khăn được kiếm sống.