Tuần trước, truyền thông Nga công bố đoạn ghi âm cuộc họp giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức, trong đó thảo luận về cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine và khả năng Kiev tấn công vào một cây cầu ở Crimea.
"Chính đoạn ghi âm cho thấy rằng bên trong Bundeswehr (các lực lượng vũ trang Đức), kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể. Điều này không cần bất kỳ sự diễn giải pháp lý nào. Mọi thứ ở đây đều quá rõ ràng", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Người phát ngôn Nga đặt ra câu hỏi liệu Thủ tướng Olaf Scholz có kiểm soát được tình hình, hay đó là một phần trong chính sách của Chính phủ Đức. "Cả hai trường hợp một lần nữa nhấn mạnh sự liên quan trực tiếp của các nước phương Tây trong cuộc xung đột quanh Ukraine", ông Peskov nói.
Trong khi đó, Đức cho biết họ đang điều tra "hành động nghe lén rõ ràng" của Nga.
"Vụ việc không chỉ là chặn và công bố một cuộc trao đổi… Đây là một phần của cuộc chiến thông tin mà (Tổng thống Nga) Putin đang tiến hành", ông Boris Pistorius khẳng định.
"Đây là một cuộc tấn công xuyên tạc thông tin, nhằm mục đích chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết của chúng ta", ông nói thêm.
Đức là một trong những quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng.
Dù NATO tuyên bố chỉ đang giúp Kiev tự vệ, Nga cáo buộc "tập thể phương Tây" đã sử dụng Ukraine để tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Matxcơva.
Trong ngày 4-3, truyền thông Nga đưa tin Đại sứ Đức Alexander Graf Lambsdorff đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Nga. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức phủ nhận việc ông Graf Lambsdorff bị triệu tập, thay vào đó nói rằng ông tham dự "một cuộc họp đã được lên kế hoạch từ lâu ở Bộ Ngoại giao Nga".
Căng thẳng giữa phương Tây và Nga nóng lên từ tuần trước, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng các quốc gia châu Âu có thể gửi quân tới Ukraine.
Đáp lại sau đó, ông Putin cảnh báo các nước phương Tây về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân nếu họ gửi quân tới Ukraine.
Vụ rò rỉ băng ghi âm 38 phút của quan chức Đức đang khiến nội bộ phương Tây căng thẳng, người Đức kêu gọi “không mắc bẫy” ông Vladimir Putin.